Thứ Sáu, tháng 12 29, 2006

2. LÊ TIẾN CÔNG -- KHẢO LUẬN VỀ TÔN THẤT THUYẾT & NGUYỄN VĂN TƯỜNG


TÔN THẤT THUYẾT VÀ NGUYỄN VĂN TƯỜNG
CHUẨN BỊ CHO CUỘC KHÁNG PHÁP


Lê Tiến Công


Vài lời của TXA.:


Có những vấn đề tranh luận đã bị thời gian vượt qua, vì hiện nay, hầu hết các nhà nghiên cứu trong giới sử học đã đi đến chỗ đồng thuận: Nguyễn Văn Tường là một người yêu nước, chủ chiến, kiên quyết chống Pháp đến hơi thở cuối cùng trên hòn đảo lưu đày Tahiti, tuy có nhiều lúc phải mềm dẻo trong quãng thời gian đảm nhận nhiệm vụ ngoại giao với thực dân Pháp; thực dân Pháp và "tả đạo" trong Thiên Chúa giáo luôn xem ông như một kẻ thù không đội trời chung với chúng.

Tuy nhiên, nói chung, nghiên cứu khoa học lịch sử cũng như bất kì ngành khoa học nào, tất cả đều phải có quá trình. Nhìn lại những chặng đường vượt qua là một cách củng cố những thành tựu mới nhất đã đạt được.

Do đó, tôi mạnh dạn đưa lên web những trang trên, đồng thời, nếu có thể, với sự đồng ý của Lê Tiến Công, tôi sẽ đưa lên web một bài viết của chính Lê Tiến Công (2005) và cả luận văn cử nhân sử học (2002) của anh về đề tài này.

Chân thành cảm ơn nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, nhà nghiên cứu Lê Tiến Công cùng các nhà nghiên cứu sử học khác, trong và ngoài nước.

Trân trọng,

TXA.




Việc phế lập trong triều đình Huế cũng như loại trừ các phần tử chủ hòa chính là một phần và là cơ sở cho việc chuẩn bị lực lượng kháng Pháp. Với tư cách là hai phụ chính, đứng đầu triều đình cho đến trước ngày kinh đô thất thủ (5 / 7 / 1885) Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết - “bộ đôi” một văn một võ - đã cùng lúc tiến hành hai hoạt động: vừa khéo léo trong thương thuyết, quan hệ làm giảm sự ràng buộc đối với Pháp lại vừa chuẩn bị lực lượng kháng Pháp trong toàn quốc.

Trong quan hệ với Pháp cho dù đã phải nhượng bộ ký hiệp ước 1874, song sau đó chính Nguyễn Văn Tường đã xúi giục Tự Đức xem thường hiệp ước. Kết quả là “những đòi hỏi của ông Rheinart gửi cho Tự Đức gặp phải sự bất đồng có tính toán cũng như gặp phải các phương pháp cách ly và kìm hãm có hệ thống do ác ý và nghi ngờ làm cho những điều nhượng bộ của họ đối với ta thành ra vô hiệu“ [4; 39]. Như vậy là từ thời Tự Đức, Nguyễn Văn Tường đã tìm cách ngăn trở người Pháp. Và từ sau khi Thuận An thất thủ (8 / 1883 ), Nguyễn Văn Tường đã cố tình lẩn tránh trách nhiệm thi hành các điều ước bằng việc không chính thức ký vào hiệp ước Patenôtre. Người Pháp đã ghi nhận điều đó: “Ông Nguyễn Văn Tường cử hai đại diện để ông khỏi phải tự tay ký tên, đến thương thuyết ở nhà phái bộ. Cái từ “bảo hộ" đã được bàn cãi kỹ lưỡng, rồi đến điều khoản V cho phép khâm sứ và tùy tùng được ngự ở Mang Cá, trong thành nội cũng được bàn cãi rất lâu“ [4; 59]. Cho đến khi hiệp ước đã ký rồi Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết vẫn tìm đủ cách quanh co không cho Pháp đóng quân ở Mang Cá. Thậm chí trong cách hiểu của người Pháp thì Nguyễn Văn Tường đã xoay xở bằng mọi cách như việc giết vua Kiến Phúc để không phải thi hành hiệp ước đã ký. Rồi sau đó Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết đưa Hàm Nghi lên ngôi mà không thông qua “bảo hộ” lại càng gây nên mâu thuẫn, như là sự thách thức đối với quân Pháp. “Cũng năm trước đó, sau khi vua Hiệp Hòa mất, vị thừa kế Kiến Phúc được cử lên không có ý kiến của chúng ta, mặc dù có những phản kháng của De Champeaux. Chúng ta không thể tha thứ cho một vi phạm về các quyền hạn mà chúng ta được thừa nhận ở hiệp ước ngày 25 / 8 / 1883 [11; 77]. Vì thế mà tướng Pháp Millot đã đưa gấp một trung đoàn vào Huế để chiếm kinh thành và để tấn tôn vua mới. Sau những trao đổi căng thẳng giữa một bên là Nguyễn Văn Tường, một bên là Guerrier và Rheinart, cuối cùng thì lễ thụ phong cũng diễn ra với sự tổ chức hoàn hảo của phía triều đình Huế. Ở đây là sự hạn chế, né tránh và thái độ thoái thác các đề nghị mà Pháp đưa ra của Nguyễn Văn Tường đối với quân Pháp được A. Delvaux ghi nhận: “Ngày hôm sau (17 / 8 / 1884 ) vào lúc 09 h 00 sáng, ông Guerrier và ông Rheinart đến hoàng cung với 25 sĩ quan lục quân và hải quân với 160 lính, ông đi vào không đeo gươm, bằng cổng chính theo sau kiệu để trống của nhà vua, đi đến tận ngai đặt giải bắc đẩu bội tinh vào đấy, khi trở về thì thấy cổng đã đóng lại, ông phải ra cổng bên. Trong khi các vị quan lại cười thầm chế giễu buổi lễ kì cục và nhục nhã dành cho ông đại tá... Nói chung chẳng có gì thay đổi ở Huế ngoài sự đổi tên của nhà vua” [4; 62]. Có thể nói sự “dàn dựng” lễ tấn phong là thành công lớn của nhóm chủ chiến.

Đến lượt Pháp đòi đóng quân ở đồn Mang Cá, đó là điều bất lợi cho phe chủ chiến, vì vậy Nguyên Văn Tường đã phản đối quyết liệt: “Ông phụ chính Tường đúng như chúng ta đã dự đoán, lại phản đối kịch liệt hơn bằng cách cho rằng hiệp ước chưa được phê chuẩn và điều V được nói trong hiệp ước là do bị ép, và sự chiếm đóng này sẽ làm dân nổi loạn. Nhưng lý do thực tế là đồn Pháp đóng gần gây trở ngại cho việc phòng thủ kinh đô Huế, công việc mà ông phụ chính muốn giấu các nhà chức trách Pháp” [4; 63]. Tiếp đó Nguyễn Văn Tường yêu cầu điều khoản V của hiệp ước này phải được sửa đổi theo nội dung là đồn lính của công sứ “phải nằm ở ngoài thành để khỏi làm mất uy danh của triều đình cũng như khỏi gây mối lo sợ cho dân chúng” [4; 65].

Việc xử lí chiếc ấn do Trung Hoa cấp cũng rất gay cấn, Patenôtre muốn đưa về Paris, Nguyễn Văn Tường không chấp nhận, ông đã trả lời rất khẳng khái: “Vậy các ông muốn cho tôi uống thuốc độc hay sao?". Cuối cùng chiếc ấn phải nấu chảy thành nước !

Nguyễn Văn Tường cũng tỏ ra rất cứng rắn trong việc giằng co vụ án hoàng thân Gia Hưng, người mà ông Rheinart có ý định đưa lên làm vua. Việc bắt giữ ông hoàng Gia Hưng bị phản đối quyết liệt của Le Maire, nhưng Nguyễn Văn Tường đã tuyên bố: “Ông hoàng phải được tòa án An Nam xét xử về những hành vi về đời tư" [4; 67]. Sau đợt này, không những ông hoàng Gia Hưng mà các tay chân cũng bị loại bỏ.

Qua những hành động trên cho thấy tính quyết đoán và độc lập của Nguyễn Văn Tường; ông đã phối hợp sát cánh với Tôn Thất Thuyết để xây dựng lực lượng kháng chiến lâu dài. Thực chất đây là tư tưởng kháng chiến từ trước nhưng đến khi Tự Đức mất mới có điều kiện cho phe chủ chiến phát triển trong toàn quốc.

Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết đã lôi kéo Viện Cơ mật thỏa thuận với hai vấn đề quyết định: “Ra một mật lệnh cho các sĩ phu định rõ ngày tàn sát cùng một lúc tất cả các giáo dân trong toàn quốc, sau khi loại kẻ tiếp tay cho quân xâm lược sẽ chuyển triều đình và chính phủ đến một pháo đài kiên cố và đến các vùng hiểm trở bất khả xâm phạm, đó chính là Cam Lộ hay đúng ra là Tân Sở, và đó là trung tâm liên kết các lực lượng ái quốc, là nơi triều đình sẽ tạm dừng chân” [4; 54].

Tuy nhiên, đối với việc sát đạo, mặc dù đã chuẩn bị kỹ càng nhưng Nguyễn Văn Tường sợ nếu tiến hành việc sát hại sẽ bất lợi khi chưa chuẩn bị chu đáo cho một cuộc đương đầu. Vì thế, các mật lệnh ban ra đã phải rút lại, song một số nơi không nhận được lệnh đã gây nên những cuộc thảm sát đẫm máu.

Việc xây dựng các công sự phòng thủ cũng được tiến hành ở Thành Nội, Vạn Xuân, Quốc Tử giám, các sơn phòng ở Quảng Nam, Quảng Trị, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa... nhất là hệ thống sơn phòng Tân Sở - Quảng Trị.

Thành Tân Sở thuộc Cam Lộ ngày nay, nguyên là nơi được phái chủ chiến chọn làm kinh đô trong trường hợp Huế bị chiếm đóng.

Tân Sở được xúc tiến xây dựng từ năm 1883 và hoàn thành vào đầu năm 1885. Nguyễn Văn Tường chính là “kiến trúc sư trưởng“, thiết kế và chỉ đạo xây dựng. Nơi đây vốn là địa bàn mà Nguyễn Văn Tường có nhiều năm công tác và rất am hiểu về vùng đất này. Để xây dựng Tân Sở, đã phải huy động rất nhiều sức người sức của tại Quảng Trị cũng như việc bí mật vận chuyển lương thực, vũ khí, vật liệu từ khắp nơi về đây. Nghiên cứu của tác giả Đỗ Bang cho biết, Tân Sở được “xây dựng trên một diện tích rộng 23 ha, dài 548 mét, rộng 418 mét, xung quanh có 3 lớp thành đất, phía ngoài trồng tre gai, phía trong có hào sâu. Trong thành có nhiều trại lính, kho lương thực và kho chứa vũ khí, có cột cờ, nền súng và giếng nước. Ngoài thành cũng xây nhiều đồn lũy chiến đấu với nhiều kho súng đạn, các bãi tập, bãi chiến đấu của voi ngựa. Hệ thống thành lũy dinh trại này làm vật cản có chiều sâu nhằm bảo vệ cho thành nội ở bên trong“ [4; 126 ]. Có thể nói, Tân Sở là một kinh thành thu nhỏ được Nguyễn Văn Tường vận dụng tất cả các hiểu biết về quân sự cũng như am hiểu về vùng đất mà ngày trước ông đã có nhiều thời gian làm việc ở đây.

Tuy nhiên, sau này khi lực lượng kháng chiến tới Tân Sở thì “thủ đô phù du" [12; 224] này không được sử dụng như sự mong đợi. Điều đó một phần cũng do “sự chuyển hướng chiến lược của phái chủ chiến“ [10; 119].

Để hạn chế sức mạnh của quân viễn chinh Pháp, Nguyễn Văn Tường đã không ngừng ra các chỉ thị cho các quan chức ở Bắc kỳ để cấm họ không được tiếp tay cho quân viễn chinh, tuyển lính tập cũng như phu phen mà đạo quân này cần thiết.

Những động tĩnh của phe chủ chiến bị quân Pháp theo dõi rất kĩ và thông báo khá rõ. Puginier đã viết: “Đã thật rõ ràng là đang diễn ra một âm mưu quan trọng được ban ra từ cấp trên với một mạng lưới hành động đông và rộng, có thể bùng nổ trong thời gian rất ngắn sắp tới. Tốt hơn hết là hãy để mắt coi chừng triều đình Huế và theo sát các hoạt động của họ từng ngày“ [4; 66]. Một phóng sự từ Hải Phòng ngày 26 / 3 / 1885 của tờ báo Thời Đại đã viết: “Nhiều dư luận bí mật được biết từ Huế làm ta có thể tiên đoán một cuộc nổi dậy của người An Nam có thể xảy ra trong tháng tư... Đúng là chúng tôi vẫn làm trò cười cho dân tộc này” [4; 68].

Không chỉ ở Việt Nam mà hai ông phụ chính còn vươn tay đến tận Cao Miên nhằm lôi kéo sự chú ý của quân Pháp ra bên ngoài: “Một cuộc điều tra do sự chỉ đạo của ông Thomson ở Sài Gòn chứng minh rằng những rối loạn ở Cao Miên là do hai ông phụ chính xúi giục ngầm bọn ấy gây rối” [4; 64]. Và đến lúc này bọn Pháp mới thực sự thấy tiếc, “tại sao ngày trước không thanh toán Nguyễn Văn Tường mà lại nhu nhược đến khôi hài trước một vị phụ chính tham lam và xảo quyệt mà ngay buổi đầu chỉ cần một tên cai và 4 lính cũng đủ để loại bỏ cho chúng ta. Một cuộc đảo chính như thế cách đây một năm khả dĩ có thể thực hiện được, rồi đây sẽ thành khó khăn, trong khi đó thì chúng ta đã dung túng sự phản đối và sẵn sàng nổi dậy“ [4; 70]. Vậy là quân Pháp đã thấy rõ sự nguy hiểm của Nguyễn Văn Tường cũng như phe chủ chiến. Tướng De Courcy đến Việt Nam là để giải quyết mối lo ngại đó.

De Courcy đến Việt Nam với mục đích dứt khoát và rõ ràng: “Ổn định Bắc kỳ và ngăn chặn triều đình Huế đừng kích động và nuôi dưỡng các vụ bạo lực nào khác nữa” [4; 72]. Trong bức thư ngày 1-7, lúc đang trên đường vào Huế, De Courcy viết: “Trễ còn hơn không, ta bắt Tường và Thuyết chăng, hay là ta sẽ làm cho họ không còn cách phá hoại ta nữa” (3; 549).

Vừa đến Huế, De Courcy đã đòi mời các đại thần cơ mật đến tòa khâm sứ để trao đổi hiệp ước Giáp thân cũng như xác định dứt khoát ngày làm lễ ra mắt vua để trao quốc thư của chính phủ Pháp. Tôn Thất Thuyết cáo bệnh không sang vì “ông Thuyết đã biết trước do sự tiết lộ sơ hở của một vệ quan tùy tùng đi theo tướng de Courcy” [4; 73] (có tác giả cho rằng âm mưu bị tiết lộ do một đầu bếp). Vì thế việc thương thuyết với De Courcy do Nguyễn Văn Tường đảm nhận.

Cuộc thương thuyết về nghi lễ triều kiến vua Hàm Nghi rất căng thẳng vì những yêu sách của De Courcy. “Ông De Courcy phải khó khăn lắm mới được chấp thuận cho đi vào cửa giữa của Hoàng cung với đoàn hộ tống vũ trang, nhưng Viện Cơ mật không muốn ông đi quá cột thứ hai bên phải. Ông thiếu tướng yêu cầu nhà vua phải đến trước mặt ông để nhận hiệp ước từ tay ông trước khi ngồi lên ngai” [4; 73]. Thế giằng co, cãi vã kéo dài, De Courcy đã đơn phương cắt đứt cuộc thương thuyết, đòi chờ khi nào Tôn Thất Thuyết lành bệnh mới hội kiến.

Tuy nhiên Nguyễn Văn Tường vẫn chủ trương thương thuyết để hạn chế sự đụng độ. “Phụ chính thứ nhất Tường phàn nàn với De Courcy về sự tự do quá đáng và thái độ không tốt của lính Pháp. Ông De Courcy đã cấm lính Pháp không được đi vào trong thành nội” [4; 73]. Qua tiếp xúc, Nguyễn Văn Tường đã thấy rõ âm mưu hành động của De Courcy, nên đã báo với Tôn Thất Thuyết. "Vè Thất thủ kinh đô" cho biết:

“Quan quận đáo đến bộ đường

Nói cùng quan tướng tỏ tường mấy câu
Bách quan văn võ đến lầu
Rằng nghe Tây nói mấy câu rõ ràng
Tiền đồng xin ba ngàn quan
Còn bạc với vàng vô số kỳ đa
Ba ngày thì phải đem qua
Không thì hai mươi bốn đáo gia bắt ngàì
Đêm khuya vắng vẻ không ai
Tôi nói với ngài chẳng để làm chi” [6;71].

Âm mưu càng lộ rõ, tình thế cấp bách, Tôn Thất Thuyết quyết định hành động mà không báo cho Nguyễn Văn Tường biết. Những chuẩn bị mấy ngày qua, Nguyễn Văn Tường có để ý nhưng cho rằng “đó cũng là thanh thế phòng bị vậy’’ [8;220] mà ông không biết một cuộc chiến lớn sắp nổ ra.

Tại sao trước một quyết định quan trọng như vậy mà Nguyễn Văn Tường không được cho biết? Điều này thực sự phức tạp, bởi nó liên quan đến quan hệ của hai người. Nhưng ở đây, ai trong chúng ta cũng có thể biết được Tôn Thất Thuyết là quan võ, vốn tính nóng nảy, luôn nghĩ đến chuyện đánh. Trong tình thế bị thúc ép mấy ngày nay đã buộc ông phải hành động. Hơn nữa Tôn Thất Thuyết lại nắm được toàn bộ binh quyền, nói như GS. Trần Văn Giàu: “Trong triều đình Huế, Thuyết là lãnh tụ cang cường nhất lúc ấy, tiêu biểu nhất cho ý chí đề kháng... Thuyết nắm binh quyền tức là thực quyền, cho nên không phải tên khâm sứ Pháp ở Huế muốn gì cũng được” [3; 547]. Rõ ràng, Tôn Thất Thuyết có thể một mình xoay trở mà không phải bàn với Nguyễn Văn Tường. Điều khác biệt giữa hai người, như cách nói của GS. Trần Văn Giàu chính là “hai màu, hai độ khác nhau của một cánh đề kháng trong triều đình” [3; 547]. Cố nhiên giữa hai người đã bàn đến chuyện đánh Pháp sau đó sẽ ra Tân Sở tiếp tục kháng chiến, nhưng chưa thống nhất về ngày giờ cụ thể, sự việc xảy ra quá nhanh, Nguyễn Văn Tường cũng thực sự bối rối.

Khi đã bố trí, chuẩn bị khá chu đáo, vào đêm 22 / 5 / Ất Dậu (4 / 7 / 1885) nhằm thời cơ quân Pháp đang say sưa yến tiệc ở Tòa Khâm sứ, Tôn Thất Thuyết chia quân làm hai đạo đánh thắng vào Tòa Khâm sứ và đồn Mang Cá. Quân Pháp hoàn toàn bất ngờ, chỉ bắn trả cầm chừng để đợi trời sáng. "Đại Nam thực lục" chép: “Nguyễn Văn Tường không biết chi hết... khi ấy Nguyễn Văn Tường ở bộ Lại đương ngủ, Binh bộ thự tham tri là bọn Hoàng Hữu Thường nghe súng nổ, tức thì đến gõ cửa báo Văn Tường biết. Tường dậy, sợ nói: nguy rồi, bèn vội vàng gửi tâu xin mở cửa Hiển Nhân và cửa Đại Cung chạy vào tả vu nhưng không biết làm thế nào” [8; 221].

Trời sáng rõ, quân Pháp mới tổ chức phản công, quân triều đình nhanh chóng thất bại, Nguyễn Văn Tường vào chỗ Tôn Thất Thuyết điều khiển “nhìn trông biết là thất bại rồi” [8;221], mới vào xin vua và Tam Cung lên Khiêm lăng tạm thời lánh nạn. Kế hoạch của phe chủ chiến là sẽ đến “kinh đô kháng chiến" Tân Sở nhưng đến đoạn Kim Long, Nguyễn Văn Tường muốn đưa vua và Tam cung lên Khiêm lăng để tiếp tục thương thuyết. Điều này bị Hồ Văn Hiển phản đối kịch liệt. Vì vậy, đoàn xa giá tiếp tục ra Quảng Trị mà Nguyễn Văn Tường thì ở lại Huế. “Thực lục” ghi: “Văn Tường vâng ý chỉ Từ Dụ thái hoàng thái hậu và lưu lại giảng hòa. Tức thì đi tắt vào nhà thờ đạo Kim Long” [8;221]. Việc này “Hạnh Thục ca” cũng nói :

“Thấy người trước đón lên đường

Gửi rằng: có Nguyễn Văn Tường chực đây
Phán rằng: sự đã dường này
Ngươi tua ở lại ngõ này xử phân
Vâng lời Tường mới lui chân” [9;39]

Việc này được chính Nguyễn Văn Tường nói lại trong một lá thư gửi cho chính phủ Pháp năm 1886 ở Tahiti, chỉ khác một điều là Nguyễn Văn Tường khi đã vào nhà thờ Kim Long, sau đó “được phúc thư của quan khâm sứ, nói rằng nên rước hoàng đế về sẽ được hòa hảo, không ngại gì, tức thiểm lên chùa Thiên Mụ thì ngự giá cùng Tam cung đã bị Tôn Thất Thuyết đưa ra tỉnh Quảng Trị” [7; 41]. "Đại loạn năm Ất Dậu" của một tác giả khuyết danh cũng ghi lại nội dung này, nhưng là để ám chỉ rằng Nguyễn Văn Tường làm như thế là để đánh lừa De Courcy mà thôi.

“Ai ngờ kia làm việc bậy quá to

Bỗng chốc dĩ đào vi thượng sách
Toàn nghe nói tưởng Tường kim thạch
Mà nổi cơn giận Thuyết lôi đình” [13; 478].

Có hai loại ý kiến, một là Nguyễn Văn Tường theo khẩu dụ của Từ Dụ ở lại thương thuyết. Ý kiến khác cho rằng ông ở lại như là sự lẩn trốn. Dù sao thì ông cũng ở lại Huế. Điều này thực sự làm cho không biết bao nhiêu thế hệ rất khó nhận diện về ông. Nhưng có một điều chắc chắn rằng, mặc dù “vin” được vào Nguyễn Văn Tường nhưng bọn thực dân chẳng mảy may tin vào ông, luôn theo dõi, giám sát và cuối cùng là kết án lưu đày biệt xứ ở Tahiti. Ngày 6 / 9 / 1885, đúng sau hai tháng trở lại Huế, Nguyễn Văn Tường bị bắt lên tàu vào Gia Định, sau đó bị đày ra Côn đảo rồi Tahiti cùng với hai nhân vật kháng chiến: Tôn Thất Đính (bố của Tôn Thất Thuyết) và Phạm Thận Duật. Theo De Mariaux thì ba vị quan lớn này được chở ra Côn Đảo bằng tuần dương hạm Clocheterie kèm theo một bức mật hàm gửi cho chúa đảo Caffort có lời dặn: “Tầm quan trọng chính trị của những tù nhân này đòi hỏi họ phải được giám sát hết sức nghiêm ngặt với bất cứ giá nào” [14; 85]. Còn De Champeaux thì khẳng định: “Văn Tường đã chống cự nước ấy nhiều năm; từ khi cùng Tôn Thất Thuyết sung làm Phụ chính, chỉn lại đổng suất quan quân nổi dậy công kích quan binh nước ấy, và Văn Tường do đô thống ấy xin cho 2 tháng để lo liệu việc nước cùng Bắc kì đều được lặng yên vô sự. Đến ngày 27 tháng ấy hết hạn mà tả kì về phía Nam có nhiều nơi nổi quân chém giết dân giáo, đến đây đô thống định án, ưng kết tội lưu” [8; 247]. Như vậy là “tội trạng” của Nguyễn Văn Tường đã được thực dân Pháp vạch rõ, chúng biết rất rõ con người cũng như động cơ ở lại của Nguyễn Văn Tường; trong hoàn cảnh bị kiểm soát, ông vẫn cố sức chống Pháp. Puginier đã từng viết: “Hàm Nghi đi theo Thuyết, còn phụ chánh Tường ở lại, vẫn giữ nguyên chức tước, và sau một thời gian trá hàng lại tiếp tục có những hành động đối kháng. Chính theo lệnh của y mà khoảng 30.000 giáo dân đã bị hại trong vòng 2 tháng và hơn 1.000 người khác cũng chịu chung số phận do các quan lại thi hành lệnh trên” [5; 14]. Đương thời, báo chí thực dân cũng không tin tưởng vào sự “ở lại”, “đầu hàng” của Nguyễn Văn Tường. Bài báo “Những biến cố ở Huế (Les évènement de Huế)” đăng trên tờ nhật báo L’Unité - Indochinoise số 70 ngày 7 - 8 - 1885 đã viết: “Cách đây vài ngày chúng tôi đã viết là Tường chẳng bao giờ đồng minh của chúng ta. Nay, cần thêm rằng chúng ta chẳng hề tin tưởng một tí gì về những lời hứa hẹn chính thức nhất của ông ta, và rằng, sau chuyến bôn tẩu của nhà vua An Nam cùng với vị thượng thư Bộ Binh Tôn Thất Thuyết, ông ta ở lại kinh thành chỉ nhằm mục đích phục vụ cho những người nói trên mà thôi” [1; 967].

Tóm lại, công việc chuẩn bị kháng chiến của nhóm chủ chiến trong triều đình Huế là công tác được chuẩn bị lâu dài và khá chu đáo, đặc biệt là thời gian sau ngày vua Tự Đức mất, chính là cơ hội cho nhóm chủ chiến tăng cường hoạt động chuẩn bị cho một cuộc đề kháng lâu dài, thể hiện ý chí của toàn dân tộc. Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân, và, kết quả thất bại của cuộc tấn công đêm 22-5 Ất Dậu là tất yếu lịch sử.

Lê Tiến Công
(Khoa sử, ĐHKH. Huế).

ĐT: 0989982796; 054 846463.
Email: letiencong2002@yahoo.com

Tài liệu tham khảo:

1. Trần Xuân An, “Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường (1824-1886)”, Nxb Văn Nghệ. TPHCM. 2004.

2. Đỗ Bang, “Di tích Tân Sở Quảng Trị”, Những phát hiện Khảo cổ học năm 1989.

3.Trần Văn Giàu, “Chống xâm lăng”, Nxb TPHCM (tái bản). 2001

4. A. Delvaux., “Phái bộ Pháp ở Huế và những phái viên đầu tiên”, BAVH. Tập 3, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1997.

5. Nguyễn Văn Kiệm, “Cuộc kháng chiến chông Pháp tiếp tục của nhà nước phong kiến những năm 80 thế kỷ XIX”, KYHNKH. “Nhóm chủ chiến trong triều đình Huế và Nguyễn Văn Tường”, ĐHSP TPHCM., 1996.

6. Đinh Xuân Lâm, Triêu Dương (sưu tầm và giới thiệu), “Vè thất thủ kinh đô”, Nxb. Văn - Sử - Địa, Huế, 1959.

7. Nguyễn Văn Mại, “Lô Giang tiểu sử”, bản dịch của Nguyễn Huy Xước - Bản đánh máy.

8. Quốc sử quán triều Nguyễn, “Đại Nam thực lục chính biên”, tập 36, Nxb KHXH. H. 1976.

9. Nguyễn Nhược Thị, “Hạnh Thục ca” (Trần Trọng Kim phiên âm và hiệu đính), Nxb Tân Việt, SG., 1950.

10. Nguyễn Quang Trung Tiến, Lê Văn Sách, “Sự chuyển hướng chiến của phái chủ chiến sau sự biến kinh thành Huế”, KHHNKH. “Nhóm chủ chiến trong tiều đình Huế và Nguyễn Văn Tường”, Trường ĐHSP TPHCM., 1996.

11. H. Le Marchant de Trigon, “Lễ đăng quang vua Hàm nghi”, BAVH., Nxb TH (tập 4), Huế 1998.

12. Depirey, “Một thủ đô phù du - Tân Sở", BAVH (tập 1), Nxb Thuận Hoá, Huế, 1997.

13. “Đại loạn năm Ất Dậu” và “Dậu Tuất niên gian Phong hỏa ký sự”, in trong: “Đặng Đức Tuấn - Tinh hoa Công giáo ái quốc Việt Nam” của Lam Giang, Võ Ngọc Nhã, tác giả tự xuất bản, SG., 1970.

14. “Kỷ yếu hội nghị khoa học 'Nhóm chủ chiến trong triều đình Huế và Nguyễn Văn Tường'”, Trường ĐHSP TPHCM., 1996.

15. “Kỷ yếu Hội thảo khoa học Nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường (1824-1886)”, TTKHXH & NV Huế - Đại học Huế & Hội KHLS Thừa Thiên Huế, 2002.


____________________________________

THƯ GÓP Ý CỦA TRẦN XUÂN AN

Thành phố Hồ Chí Minh, lúc 8 : 41, ngày 18 tháng 6, 2005

Lê Tiến Công thân mến,

Sáng hôm nay anh mới rảnh rỗi để đọc lại bài nghiên cứu của em về hai nhân vật lịch sử trong thời kì đầu của công cuộc chống thực dân gồm cả tả đạo Phương Tây (1858 – 1885): “Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường chuẩn bị cho cuộc kháng Pháp”.

Nhận định tổng quát, anh đã viết cho em trong lá điện thư hôm qua (17-6-2005):

“Tất nhiên anh vẫn tôn trọng những ý tưởng của em, mặc dù, như em đã đọc sách anh viết (cuốn "PCĐT. NVT." và cuốn khảo luận “Nguyễn Văn Tường [1824 - 1886], ‘những người trung nghĩa từ xưa…’” mới đăng trên Giao Điểm), anh nhận định có phần khác em ở một vài khía cạnh. Dẫu sao thì kết luận của em và anh vẫn thống nhất: Nguyễn Văn Tường & Tôn Thất Thuyết là 2 nhân vật chủ chiến, yêu nước, không đầu hàng giặc Pháp”.

Về các ý tưởng em triển khai trong bài nghiên cứu:

1) Những cụm từ trích từ tư liệu thực dân hoặc những kẻ đối lập (chủ “hòa”, thân Pháp, tả đạo), thể hiện lập trường, quan điểm thù địch với Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết, rất cần thiết phải để trong ngoặc kép (trích nguyên văn / sic). Những đoạn trích từ thứ tư liệu của thực dân, của bọn thân Pháp cũng rất cần phải có lời dẫn xuất xứ, kẻo người đọc nhầm là nhà nghiên cứu (ở đây là Lê Tiến Công) đã đồng tình, cùng quan điểm, lập trường với chúng.

“Trong quan hệ với Pháp cho dù đã phải nhượng bộ ký hiệp ước 1874, song sau đó chính Nguyễn Văn Tường đã xúi giục Tự Đức xem thường hiệp ước. [Cần thêm lời dẫn]. Kết quả là “những đòi hỏi của ông Rheinart gửi cho Tự Đức gặp phải sự bất đồng có tính toán cũng như gặp phải các phương pháp cách ly và kìm hãm có hệ thống do ác ý và nghi ngờ làm cho những điều nhượng bộ của họ đối với ta thành ra vô hiệu" [4; 39 ]”.

“Thậm chí trong cách hiểu [xuyên tạc thì đúng hơn] của người Pháp thì Nguyễn Văn Tường đã xoay xở bằng mọi cách như việc giết vua Kiến Phúc để không phải thi hành hiệp ước đã ký”.

2) Có một câu trích từ bài viết của Delvaux, bị thiếu mất hai chữ “sĩ phu”. Nguyên văn chính xác như sau:

“Vậy các ông muốn sĩ phu cho tôi uống thuốc độc hay sao?’’. (*)

3) Nên lấy thêm tư liệu chuẩn cứ là “Đại Nam thực lục chính biên”, đệ ngũ kỉ, cụ thể bản tấu của Tôn Thất Thuyết đọc trước đình thần trong lúc nghị án Hồng Hưu (ĐNTL.CB., tập 36, bản dịch, Nxb. KHXH., 1976, tr. 156 – 158).

“Nguyễn Văn Tường cũng tỏ ra rất cứng rắn trong việc giằng co vụ án hoàng Gia Hưng, người mà ông Rheinart có ý định đưa lên làm vua. Việc bắt giữ ông hoàng Gia Hưng bị phản đối quyết liệt của Le Maire, nhưng Nguyễn Văn Tường đã tuyên bố : “Ông hoàng phải được tòa án An Nam xét xử về những hành vi về đời tư’’ [4; 67]. Sau đợt này, không những ông hoàng Gia Hưng mà các tay chân cũng bị loại bỏ”.

4) Lúc qua hội đàm với De Courcy, không chỉ một mình Nguyễn Văn Tường, mà còn có cả Phạm Thận Duật cùng một số vị quan khác trong Nha Thương bạc (ĐNTL.CB, tập 36, sđd., tr. 219 – 220)

5) Về cái “Thư gửi thống đốc Tahiti”, đề nghị xem lại luận chứng phản bác của TXA. trong bộ sách “PCĐT. NVT.” (Nxb. Văn Nghệ TP. HCM., 12-2004, tr. 966) và ở đoạn cuối bài đối thoại với GS. Trần Văn Giàu trong cuốn “Nguyễn Văn Tường (1824 - 1886), ‘những người trung nghĩa…’” (đã đăng trên Web Giao Điểm, 5-2005). Nói thêm một ý nữa: Chỉ duy nhất cuốn “Lô Giang tiểu sử” có bức thư ấy, ngoài ra, không thấy có cuốn sách nào đương thời hoặc đồng thời có chép lại bức thư ấy. Nó lại bị phủ định bởi nhiều tư liệu khác đáng tin cậy hơn (như bài viết của Henry Le Marchant de Trigon, một tên thực dân giữ chức vụ thanh tra hành chính An Nam). Tóm lại, “Thư gửi thống đốc Tahiti” là một bức thư giả của cánh chủ “hòa” bịa ra để tự biện minh cho họ.

6) Về chi tiết Hồ Văn Hiển phản đối kịch liệt khi Nguyễn Văn Tường nhận lệnh Từ Dũ để vào nhà thờ Kim Long thương thuyết với giám mục Caspar? Chi tiết đó mặc dù có trong một vài tư liệu, nhưng những tư liệu ấy không có độ khả tín cao. ĐNTL.CB., kỉ V, tập 36, sđd., tr. 221 có ghi rõ là Nguyễn Văn Tường dùng Hữu quân đô thống Hồ Văn Hiển phò xa giá Hàm Nghi, Tam Cung khi quyết định rời khỏi kinh thành. Như vậy, Hồ Văn Hiển phải rất được Nguyễn Văn Tường tin cẩn. Một luận cứ khác: ĐNTL.CB., kỉ VI, tập 36, sđd., tr. 235, ghi rằng, chính Nguyễn Văn Tường và Trương Quang Đản 4 lần viết thư dặn Hồ Văn Hiển, lúc Hồ Văn Hiển đã lên Tân Sở: “Hễ gặp quan binh, tức thì làm nội ứng, rước xe vua về”. Mặc dù có thể Nguyễn Văn Tường và Trương Quang Đản viết 4 lá thư cho Hồ Văn Hiển chỉ là động tác giả, để đánh lừa Pháp (theo báo cáo mật của Puginier), nhưng cũng nói lên một điều là Hồ Văn Hiển cho đến lúc đã lên Tân Sở, sang Lào, vẫn được Nguyễn Văn Tường tin cậy. (Xem TXA., “PCĐT. NVT”, NXb Văn Nghệ TP. HCM., sđd., tr. 892…).

7) Về phương thức “không biết gì hết” về cuộc quật khởi khuya 22 bước sang ngày 23-5 Ất dậu, đề nghị xem lại bài “Nguyễn Văn Tường với nhiệm vụ lịch sử sau cuộc kinh đô quật khởi” của TXA. Bài này (tham luận Hội thảo về Nguyễn Văn Tường ở Huế, 7-2002, nhuận sắc 2003) đã được đăng tải ở nhiều websites (Chim Việt Cành Nam, Gió – O [Organization], Giao Điểm, Google, MSN, Yahoo search…). Mong Lê Tiến Công đọc lại bài này thật kĩ, nhất là các cứ liệu văn bản được trích dẫn từ ĐNTL. CB, kỉ V (tập 36, sđd.) và kỉ VI (tập 37, bộ sách đã dẫn): “Dụ gửi Nguyễn Văn Tường”, “Dụ gửi hoàng tộc” (từ Tân Sở gửi về); dụ và cáo thị cho các tình tả kì phía Nam; bản án chung thẩm của Pháp và ngụy triều Đồng Khánh... Cần phải hiểu cách viết sử biên niên là việc đến đâu, ghi đến đó (câu thường thấy cuối mỗi chương hồi [**] là "xem hồi sau sẽ rõ”: bản án chung thẩm là khẳng quyết cuối cùng).

8) Nên khẳng quyết việc Nguyễn Văn Tường ở lại Huế sau cuộc kinh đô quật khởi (05 - 7 - 1885) là vì nhiệm vụ lịch sử (Tôn Thất Thuyết “đánh” kết hợp với Nguyễn Văn Tường “đàm”). Không nên nói nước đôi, chẳng hạn như “ý kiến khác cho rằng ông ở lại như là sự lẩn trốn” (Lê Tiến Công).

Lê Tiến Công thân mến,

Như vậy là có đến 8 điểm anh góp ý với em. Trong đó, 2 điểm 5 và 7 là quan trọng nhất.

Thư này, anh sẽ gửi bằng cách copy & paste trong khung compose và đồng thời gửi attachment vì sợ sai dấu thanh khi Yahoo chuyển thư.

Em cũng nên đổi font VNI-Windows (VNtime new roman…) ra các font Unicode (Arial, Tahoma, Verdana…) cho dễ gửi các báo, tạp chí, nhất là các tạp chí điện tử như Giao Điểm. Thư này cũng phải dùng cả hai hệ mã VNI và Unicode rất phiền phức.

Thân ái và trân trọng,
TXA.




BỔ SUNG & ĐÍNH CHÍNH THƯ MỚI GỬI
TP. HCM., 14: 04, 18-6-2005

Lê Tiến Công thân mến,

Tất cả những cứ liệu dùng để chứng minh:

1) Cứ liệu để chứng minh "Thư gửi thống đốc Tahiti" là thư giả, đó là bài viết của Henry Le Marchant de Trigon và những chi tiết sai trong "THƯ GỬI THỐNG ĐỐC TAHITI" ấy. Xem đoan cuối bài trích dẫn "Chống xâm lăng" và đối thoại với GS. Trần Văn Giàu v. v. ...

2) Để chứng minh NVT. thực hiện phương thức "không biết gì" về cuộc kinh đô quật khởi để thực hiện kế hoạch "chiến kết hợp với đàm", anh đã DẪN CHỨNG trong bài "NVT. VỚI NHIỆM VỤ LỊCH SỬ SAU CUỘC KINH ĐÔ QUẬT KHỞI". Ở đây chỉ nhắc lại: “Dụ gửi Nguyễn Văn Tường” từ Tân Sở gửi về: "Ta bất đắc dĩ phải làm cái kế bỏ thành, cùng TTThuyết quanh quẩn, còn ngươi là phụ chính đại thần thì ở lại mà thương đàm; kẻ ở người đi đều lấy lòng yêu nước thương dân làm căn bản; đất trời cũng thực chứng giám"; và “Dụ gửi hoàng tộc” cũng từ Tân sở gửi về: "huân thần tâm sự như thế, cáng đáng như thế, thật là đau khổ quá chừng; những người trung nghĩa từ xưa, tưởng không hơn được". Và bản án chung thẩm của ngụy triều Đồng Khánh (tháng 8 âm lịch, năm Ất dậu): "...đều là bè lũ làm loạn...".

Xem thêm về phương thức viết sử biên niên, "xem hồi sau sẽ rõ", ở chú thích 114, truyện kí thứ 6 ( "PCĐT. NVT.", NXB. Văn Nghệ, 2004, tr. 277).

3) Nếu Hồ Văn Hiển cự lại Nguyễn Văn Tường trong lúc hỗn quan hỗn quân thì tại sao ông vẫn tin cậy Hồ Văn Hiển để bảo Hồ Văn Hiển đưa vua về? Thử suy luận xem. Nếu Hồ Văn Hiển có cự Nguyễn Văn Tường thật, mà Nguyễn Văn Tường & Trương Quang Đản vẫn 4 lần viết thư, như vậy không phải là "động tác giả" thì còn là cái gì? Có 2 đáp số cho hai 2 giả thiết trên.

Anh chỉ gợi thêm một số ý như vậy. Thư này phải kết hợp với thư hồi sáng.

Tùy em suy nghĩ. Nhưng, một yêu cầu rất quan trọng của phương pháp nghiên cứu sử học là phải xác định tư liệu gốc, tức tư liệu chuẩn cứ, và ngoài ra, phân loại các tư liệu khác (không đáng tin cậy bằng tư liệu gốc). Nếu bất kì tư liệu nào ta cũng tin, sẽ không thể nào ta không rơi vào tình trạng nói nước đôi, ba phải, và trong xã hội sẽ luôn tồn tại các ý kiến chủ quan, bất chấp sự thật lịch sử, theo kiểu "Nam nói Nam phải, Ngãi nói Ngãi hay".

4) Huế đau thương nhưng vẫn quật khởi, vì quốc thể (danh dự Tổ quốc, triều đình). Xem “Dụ Cần vương” ban hành tại Tân Sở.

Mong em hãy đọc thật kĩ sách của anh ("PCĐT. NVT" & "NVT, 'những người trung nghĩa...'").

Thân ái và trân trọng,
TXA



______________

(*) 15-11 HB6 (2006): Giả định câu nói này thực sự là của Nguyễn Văn Tường, thì cần phải hiểu cho thật đúng: Nguyễn Văn Tường nói với Pháp trong lúc đang làm công tác ngoại giao. Ông muốn tránh phản ứng thù ghét của kẻ thù đang trực diện trong cuộc đối thoại, nên nói thác vào sĩ phu như thế. Xin hãy lấy vốn sống (kinh nghiệm sống) của chính mỗi người chúng ta để hiểu câu này. Ví dụ: Có một người muốn "thuê mướn" nhà của ta để kinh doanh những mặt hàng bất hợp pháp, tất nhiên ta không muốn cho "thuê", nên nói thác là vợ con tôi không đồng ý và công an chắc chắn sẽ gây khó dễ. Diễn đạt theo ngôn ngữ đối thoại trực tiếp: "Ông muốn tôi không sống nổi trong nhà này hay sao!".

Thật ra, thái độ của Nguyễn Văn Tường được "Đại Nam thực lục, chính biên", kỉ đệ ngũ (Nxb. KHXH., 1976, tr, 119 - 120) ghi nhận là rất kiên quyết. Ông không chịu trao quốc ấn cho Pháp; chúng phải nói đi nói lại nhiều lần với thái độ hăm doạ tấn công vũ trang; cuối cùng ông đưa ra phương án: thổi bễ [lò rèn / lò thợ kim hoàn] cho chảy chiếc ấn ấy! TXA.


[**] 16-11 HB6 (2006): Trong các bộ sử kí được viết theo thể biên niên, như "Đại Việt sử kí toàn thư", "Đại Nam thực lục" chẳng hạn, người đọc phải hiểu ngầm cuối mỗi mục, mỗi quyển: "xem hồi sau sẽ rõ".
Trong nhiều bài khảo luận và nhất là trong một vài chú thích trong bộ truyện - sử kí - khảo cứu tư liệu lịch sử "Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường (1824 - 1886)", Nxb. Văn Nghệ TP.HCM., 2004, tôi đã sử dụng nhiều dẫn chứng lấy từ "Đại Nam thực lục chính biên" để chứng minh điều này.

Nếu ở các bộ sử, câu ấy được hiểu ngầm, thì
ở cuối mỗi chương, mỗi hồi trong các tiểu thuyết chương hồi cổ điển, nó luôn luôn được ghi rõ. Tiểu thuyết chương hồi cổ điển cũng được viết theo thể biên niên (diễn biến cốt truyện theo trình tự thời gian, việc đến đâu, ghi đến đó, "xin xem hồi sau sẽ rõ"). TXA.

________________

15 : 26, 16-11 HB6:
Có một vài lỗi kĩ thuật về hình thức đã được chỉnh sửa.
TXA.

Không có nhận xét nào: