Thứ Sáu, tháng 12 29, 2006

6. TRẦN XUÂN AN -- NHẤN MẠNH & TRẢ LỜI MỘT THẮC MẮC


--- ---- ---


(bấm vào hình để xem cỡ được phóng lớn)


TRẢ LỜI MỘT THẮC MẮC
(một lần nữa xin được nhấn mạnh)


(Kính gửi một độc giả
đề nghị không nêu danh tính)


Tôi thấy cần thiết phải nhấn mạnh lại một sự thật lịch sử đã được nhấn mạnh nhiều lần, nhưng có nhiều người bị định kiến sai lạc cũ chi phối, nên không để ý đến. Đó là sách lược “HAI MẶT”. Không những Nguyễn Văn Tường, mà cả Tôn Thất Thuyết đều thực thi sách lược ấy -- một sách lược đã được hai người cùng nhau bàn bạc, quyết định.

Sau đây là một vài luận cứ, luận chứng:

1. +++ Phạm Hữu Dụng ra Quảng Trị gặp Tôn Thất Thuyết. Tôn Thất Thuyết nói, chỉ có thể rước vua Hàm Nghi về với điều kiện:
- Phải đoàn kết với Pháp;
- Pháp không được lấn hiếp nữa.
Ở một bài viết, tôi đã diễn đạt và trích đúng nguyên văn:
“Tôn Thất Thuyết đã nói với Phạm Hữu Dụng: “Phải nên đoàn kết [thoả hiệp tạm thời – ct.] với quân Pháp; [Pháp – ct.] không lại lấn áp như trước, thì mới đón xe vua về”” (chú thích [51] = ĐNTL.CB., tập 36, sđd., tr. 223.). (TXA., bài “Nguyễn Văn Tường (1824-1886) với nhiệm vụ lịch sử sau cuộc kinh đô quật khởi (05 tháng 7. 1885)”, đã đăng nhiều nơi, đã in thành sách, tạm xem tại:
http://tranxuanan-writer-5.blogspot.com/2006/11/nguyn-vn-tng-1824-1886-th-vi-nt-v-con_9621.html )

2. +++ “Dụ Cần vương” (đánh) chính thức, duy nhất được ban hành tại Tân Sở và “Dụ gửi Nguyễn Văn Tường” (đàm) cùng được phát đi, gửi về cùng một ngày: 13-7-1885 (2-6 Ất dậu). Tôi cũng hơn một lần diễn đạt ý tưởng này:
-- “Mật dụ ấy cùng với Dụ Cần vương được gửi về và phát đi trong một ngày (02.6 Ất dậu: 13.7.1885)”.
-- “Chi tiết Dụ Cần vương và mật dụ gửi Nguyễn Văn Tường từ Tân Sở (Cam Lộ, Quảng Trị) được viết một ngày, phát đi và gửi về một lúc (02.6 Ất dậu, 1885) đã làm sáng tỏ”. (TXA., bài đã dẫn:
http://tranxuanan-writer-5.blogspot.com/2006/11/nguyn-vn-tng-1824-1886-th-vi-nt-v-con_9621.html )

3. +++ Tôi cũng đã viết:
“Tuy thế, tôi thấy cần nhấn mạnh thêm một lần nữa một điều đã viết với luận chứng nghiêm túc: Có một số trang châu bản sau cuộc kinh đô quật khởi, bị thất thủ, do Nguyễn Văn Tường viết, trình lên Tam cung (đứng đầu là bà Từ Dũ) và giám quốc nhiếp chính Thọ Xuân vương Miên Định, thực chất chỉ nhằm đối phó với thực dân Pháp và phe chủ “hòa” (thực chất là đầu hàng) đang thắng thế. Đúng vậy, như TS. Nguyễn Nhã đã khẳng định trong Hội thảo, ngày 02-7-2004, viết những trang châu bản ấy, Nguyễn Văn Tường chỉ dùng để đối phó mà thôi, trong sách lược “hai mặt”!”. (TXA., Trao đổi với nhà nghiên cứu sử học Nguyễn Đắc Xuân về bài viết: “Sau ngày thất thủ kinh đô (5.7.1885) Đại thần Nguyễn Văn Tường (1824-1886) khó thoát khỏi bước đường cùng”, bài đã đăng trên Tạp chí điện tử Giao điểm, số tháng 8-2005, posted: 22.8.2005:
http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_III05/805_index.htm
hoặc theo link thuộc docs.google.com:
http://docs.google.com/View?docid=dc9fgpkh_16fbm6nq ).

4. +++ Bài thơ "Giải triều...":
"Đường núi vạn trùng lo kiệu biếc [ = đánh ]
Lòng tôi nhất dạng giữ sân son" [ = đàm ]
(Sơn kính vạn trùng thương thuý liễn
Thần tâm nhất dạng luyến đan đình)

(Bài đã dẫn ở ý 3)

5. +++ Bản án chung thẩm của ngụy triều Đồng Khánh (có chữ kí của De Courcy) đã xác quyết sự thật lịch sử hai mặt nhưng vẫn một lòng đó của nhóm chủ chiến:
“Tôn nhân phủ và đình thần dâng sớ tâu bày tội trạng của Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết, xin tước hết quan tước và tịch thu gia sản; tham tri Trương Văn Đễ đã quá cố, và chưởng vệ Trần Xuân Soạn, đều là bè đảng làm loạn, cũng tước cả quan chức. Trong bọn ấy, thì Tôn Thất Thuyết, Trần Xuân Soạn, xin do quan địa phương xét bắt bằng được và chém ngay, để tỏ rõ hiến pháp trong nước. Vua nghe theo” (chú thích [64] = ĐNTL.CB., tập 37, sđd., tr. 35). (Bài đã dẫn). Xin lưu ý: Phạm Thận Duật chỉ là một nhân vật mờ nhạt; ông cũng chưa bao giờ được phong chức phụ chính đại thần.


Chúng ta đều biết rõ rằng: Vào thập niên 80 cuối thế kỉ XIX, nước ta không những đứng trước cuộc xâm lược của thực dân Pháp và bộ phận tả đạo thuộc Thiên Chúa giáo, mà còn phải đối phó với mưu toan thoả hiệp với Pháp để xâu xé Bắc Kỳ của nhà Thanh (Trung Hoa).


Hiệp ước Thiên Tân Pháp - Hoa (quy ước đình chiến kí ngày 04-4-1885 tại Paris, chính thức kí kết vào ngày 09-6-1885 tại Thiên Tân) đã thật sự cô lập nước ta. Do đó, sách lược vừa đánh, vừa đàm, hai mặt nhưng vẫn một lòng, Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường cùng nhóm chủ chiến thực thi là một sáng tạo tối ưu trong điều kiện thế và lực của nước ta thuở ấy (7-1885...).

Ở bài trả lời thắc mắc này, tôi chỉ liệt kê các ý cần thiết, không lặp lại những ý tưởng, những trích đoạn nguyên văn khác, chẳng hạn như:

"Quốc kế “chia tách triều chính” nhưng vẫn “nhất dạng”, phối hợp bí mật nhưng rất chặt chẽ, là một sáng tạo rất táo bạo, trong điều kiện thế và lực lúc bấy giờ!
.
Qua việc trích dẫn những tư liệu của Puginier, theo giáo sư Nguyễn Văn Kiệm [28], chúng ta thấy rõ sự thật lịch sử, với sự miêu tả của chính đối phương, về nỗ lực của Nguyễn Văn Tường: “Vua Hàm Nghi đi theo Thuyết còn phụ chính Tường ở lại, vẫn giữ nguyên chức tước, và sau một thời gian trá hàng, lại tiếp tục có những hành động đối kháng. Chính theo lệnh của y mà khoảng 30.000 giáo dân đã bị hại chỉ trong vòng 2 tháng và hơn 1.000 người khác cũng chịu chung số phận do các quan lại thi hành mệnh lệnh trên…”".


([28] Bài của GS. Nguyễn Văn Kiệm,
trong Kỉ yếu Hội nghị khoa học
về đề tài
“Nhóm chủ chiến trong triều đình Huế
và Nguyễn Văn Tường”,
ĐHSP. TP.HCM., 20.6.1996, tr. 14).
.
Xin vui lòng xem ở bài viết đã được dẫn link bên trên: "Nguyễn Văn Tường (1824 - 1886) với nhiệm vụ lịch sử sau cuộc kinh đô quật khởi" (TXA., "Nguyễn Văn Tường (1824 - 1886), một người trung nghĩa", Nxb. Thanh Niên, 9-2006, tr.20- 80).

Điều nhấn mạnh:

Tôn Thất Thuyết thay mặt vua Hàm Nghi vừa phát động phong trào Cần vương (Dụ Cần vương) vừa ghi nhận, động viên Nguyễn Văn Tường thực hiện nhiệm vụ lịch sử là đàm phán với Pháp (Dụ gửi Nguyễn Văn Tường, Dụ gửi hoàng tộc [07-5 Ất dậu = 18-7-1885]), sau khi kinh đô Huế đã thất thủ (05-7-1885). Vừa phát động phong trào Cần vương, vừa cùng lúc, cùng ngày khẩn thiết gửi mật dụ về Huế, thể hiện chủ trương đàm phán với Pháp, không phải Tôn Thất Thuyết và Hàm Nghi hai mặt nhưng vẫn một lòng, là gì!


Nhân đây, xin thêm một ghi chú ngoài lề sử học:

Có những nguyên nhân dẫn đến sự sai lệch trong nhận thức sử học:

-- Dưới chế độ áp bức ngôn luận, kẻ sĩ, trí thức, nghệ nhân dân gian thường có khuynh hướng mượn chuyện cũ ngày xưa (hoặc chuyện nước ngoài) để nói chuyện mới hiện nay (hoặc chuyện trong nước).

-- Sử dụng điển tích trong nước hay nước ngoài trong văn chương để thể hiện một cách hàm súc điều muốn nói với người cùng thời hay với hậu thế, thủ pháp nghệ thuật ấy đã từ lâu trở thành một trong nhiều phương thức tu từ (mĩ từ pháp). Trong khi sử dụng điển tích, người viết lại được phép cải biên cả chất liệu tạo nên điển tích ấy, và nội dung đã cải biên được văn cảnh, ngữ cảnh cụ thể, nhất định vừa bổ trợ, vừa khu biệt hoá, thành một lượng thông tin mới mà người đọc có thể tiếp nhận. Chính sự cải biên này đã khiến tư duy văn học và sử học lắm khi lẫn lộn.

-- Định kiến sai lệch trong xã hội vẫn còn tồn tại do sự xuyên tạc sự thật lịch sử với mục đích lợi dụng sử học vào mục đích tuyên truyền chính trị nhất thời (thực dân, tả đạo xuyên tạc nhằm mục đích xâm lược, nô dịch; lực lượng cách mạng xuyên tạc nhằm mục đích đả phong, đả thực (*); các bộ phận xã hội có xu hướng chính trị khác xuyên tạc nhằm mục đích phù hợp với quyền lợi của họ...). Cho đến thời điểm hiện nay, chưa phải là không còn tình trạng đó. Như vậy, định kiến sai lệch lưu cữu cộng với âm hưởng chưa dứt, thậm chí còn diễn tiến của tình trạng xuyên tạc sự thật lịch sử nói trên, cộng với sự cố chấp hay bảo thủ, tâm lí nuối tiếc, không dám phủ nhận sai lệch trong các công trình nghiên cứu trước đây, tạo thành một "lực ì", "trì trệ" không phải không đáng sợ (**). Không phải ít người thuộc dạng cầu an, thiếu tình thần dũng cảm khoa học, ngại đụng chạm!

-- Tâm thế người nghiên cứu sử và người đọc sử chi phối xu hướng đọc sử và hiểu sử. Người viết, người đọc sử thường có mối liên hệ giữa lịch sử ngày xưa và tình trạng, bối cảnh mới đây, hiện nay. Nói thẳng ra, người viết, người đọc trong nước hay ở hải ngoại, khi đề cập đến cuộc kinh đô quật khởi và bị thất thủ, 05-7-1885, thường liên tưởng đến ngày 30-4-1975, theo quy luật liên tưởng được các nhà tâm lí học gọi là liên tưởng theo quy luật tương đồng (tâm thế “nhìn suối nhớ sông”, đối với Việt kiều vốn thuộc chế độ cũ) hay quy luật tương phản (tâm thế “nhìn sông nhớ núi”, đối với người tham gia cách mạng hay chấp nhận, tán thành cách mạng). Chính đó là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người tránh bày tỏ thái độ đối với mảng đề tài này hoặc xếp vào loại "nhạy cảm".

-- Đối với sự chạnh lòng, chột dạ của hàng giáo phẩm, giáo dân Thiên Chúa giáo, tôi đã nhiều lần minh định rõ thái độ của tôi. Ở đây, tuy không lặp lại, nhưng không thể không liệt kê ra trong việc thống kê, phân tích nguyên nhân này.

Các nguyên nhân trên cần thiết phải chỉ rõ ra và rất nên tạo lập một lối tư duy rạch ròi, nói theo thành ngữ là không nên nhập nhằng, “đánh lẫn” và “gian lận”, giữa con đỏ với con đen, giữa sử học khách quan với tâm thế chủ quan, văn chương kí thác tâm sự, nhất là cần phân biệt với "loại sử học phục vụ cho yêu cầu, nhiệm vụ tuyên truyền chính trị nhất thời". Mong rằng, chuyện nào ra chuyện nấy.

Tôi xin được nhấn mạnh sự thật lịch sử "hai mặt nhưng vẫn một lòng" của Tôn Thất Thuyết, Hàm Nghi (chứ không chỉ riêng Nguyễn Văn Tường, Trương Văn Đễ) và bổ sung ghi chú ngoài lề sử học như vậy.

________________

(*) Mục đích đả thực luôn luôn có tính chính nghĩa. Đả phong là một mục tiêu phù hợp với xu thế dân chủ, nhưng phải xét đến điều kiện lịch sử cụ thể, mới có tính khoa học, nếu không muốn sa vào chủ nghĩa duy ý chí. Tuy nhiên, sử học với ý thức trung thực, chỉ cần viết đúng sự thật khách quan, là vô hình trung đã đạt được hai mục đích ấy, và cũng nhờ thế, mới có hiệu quả thuyết phục và sức thuyết phục ấy mới lâu bền.
.
(**) Ngay cả nhà báo, nhà nghiên cứu sử học Philippe Devillers, tác giả cuốn "Francais et Annamites, partenaires òu ennemis?", Nxb. Denoel, Paris, 1998 (bản dịch tiếng Việt của Bs. Ngô Văn Quỹ, "Người Pháp và người An Nam, bạn hay thù?", Nxb. Tổng hợp TP.HCM., 8-2006), cũng chưa thoát được tư duy, tâm lí và tài liệu đậm màu thực dân, mặc dù trong lời nói đầu, Phillipe Devillers ý thức rõ điều đó. Ngay cả nhan đề sách và những câu hỏi đề dẫn (quảng cáo), Philippe Devillers đã thể hiện một ý đồ biện minh, cố tình lấp lửng giữa xâm chiếm, cướp bóc, nô dịch với du khảo, khai hoá, truyền đạo, chứ không phải ngẫu nhiên lại nêu một câu hỏi chính và một loạt câu hỏi phụ thuộc loại "nước đôi" vớ vẩn như vậy.
.
Xin mở một ngoặc đơn ở chú thích này: Lẽ ra, tôi nên viết một bài về cuốn sách của Philippe Devillers, ít ra là đối chiếu các sự kiện quan trọng như "tứ nguyệt tam vương", "kinh đô quật khởi và bị thất thủ", "cuộc lưu đày biệt xứ và cái chết của Nguyễn Văn Tường tại Tahiti", nhưng thật không có gì thiếu cảm hứng hơn là phải lặp đi lặp lại những chi tiết, ý tưởng đã được thể hiện trong những cuốn sách tôi đã xuất bản (sách điện tử, sách in giấy). Kính mong người đọc vui lòng thực hiện thao tác này giúp khi đọc sách của tôi và sách của ông Philippe Devillers (đúng ra là không nên truyền bá loại sách như của Philippe Devillers!). Chỉ xin lưu ý rằng, cách viết sách của ông Philippe Devillers là hoàn toàn căn cứ vào sách của các tác giả thực dân Pháp và các nhà nghiên cứu sử Pháp vốn chịu ảnh hưởng của số tài liệu thực dân ấy; ông cũng không chịu khó nghiên cứu tư liệu gốc của Pháp và Hội Thừa sai của Paris (như ông đã tự trình bày ở Lời nói đầu); và kì quái thay, ông Philippe Devillers lại không hề biết đến tư liệu gốc "Đại Nam thực lục chính biên", "Châu bản" của triều Nguyễn! Về phương diện tư liệu này, mặc dù Philippe Devillers có tham khảo sách của Yoshiharu Tsuboi, "Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa" (bản tiếng Pháp), nhưng còn kém hẳn, so với Y. Tsuboi!

.



http://www.minhkhai.com.vn/Books.aspx?m=cat&catID=8
http://www.minhkhai.com.vn/BookInfo.aspx?ISBN=155551

20 : 44', 26-12 HB6 (2006)
& 9 : 07', 13 : 37', 27-12 HB6 (2006)
& 7 : 02', 17 : 59', 20 : 21', 29-12 HB6 (2006), 7 : 03', 30-12 HB6 (2006): có bổ sung (các chữ màu lục sẫm).

Trần Xuân An


__________________
.
GHI CHÚ VỀ VIỆC ĐƯA BÀI LÊN WEB & SỰ CỐ ĐỘNG ĐẤT Ở ĐÀI LOAN:
.
Trong buổi tối hôm qua, khi đưa lên trang web này bài trả lời thắc mắc trên, rất không may lại gặp lúc internet châu Á - quốc tế bị sự cố do động đất ở Đài Loan, chưa phục hồi kịp, nên cả trang web bị kẹt, không mở trọn vẹn được. Tôi phải đưa lên lại tất cả 7 tệp (từ tệp 0 đến tệp 6). Do đó, ở mục lịch đăng tải và lưu trữ, 6 tệp tháng 11 nhảy lên tháng 12. Xin lưu ý là không có sự sửa chữa nào.


Nhân đây, chỉ sắp xếp lại phần "bt." (biên tập) cho hai câu trích dẫn nguyên văn bản phiên âm chữ Hán và dịch nghĩa trong luận văn của anh Lê Tiến Công:

"Nhất giang lưỡng quốc nan phân thuyết
Tứ nguyệt tam vương triệu bất tường"
Tôi tạm "dịch":

(một sông hai nước, nạn nhiều thuyết
bốn tháng ba vua, điềm chẳng tường)
.


Cách đây, một vài tuần, tôi chỉ "bt." gợi ý cho anh Lê Tiến Công. Nay thấy cần viết rõ, hợp với tiểu đối như trên.

Trân trọng và cảm ơn.
TXA.

5. TRẦN XUÂN AN -- KỈ NIỆM VÀ VÀI NÉT PHẢN BIỆN

KỈ NIỆM VỚI LÊ TIẾN CÔNG
VÀ VÀI NÉT PHẢN BIỆN LUẬN VĂN CỬ NHÂN SỬ HỌC CỦA ANH


Trần Xuân An

1


Trong mấy ngày đầu của một tháng 7, cách đây 4 năm, tôi có dịp ra Huế để tham dự Hội thảo khoa học về nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886). Trong dịp ấy, tôi được biết thêm một người nghiên cứu trẻ tên là Lê Tiến Công. Đúng ra, trước đó khoảng một tuần, tôi cũng đã có vài phút chuyện trò với một người trẻ tuổi tôi chưa từng biết mặt, cũng chưa hề biết tên (mới hay bài tham luận của tôi, “Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886) với nhiệm vụ lịch sử sau cuộc kinh đô quật khởi (05 tháng 7-1885)”, anh và các nhân viên của Hội Khoa học lịch sử Thừa Thiên - Huế đang gõ phím vi tính để in thành tập “Các báo cáo khoa học”, tài liệu chính của cuộc hội thảo). Tôi bắt đầu quen Lê Tiến Công qua giọng nói trước khi gặp, nhưng khi gặp Lê Tiến Công, thật sự tôi không có ấn tượng gì nhiều về anh trong lần đầu gặp mặt ấy, ngoại trừ một chi tiết: Lê Tiến Công nghiên cứu và viết luận văn cử nhân về nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886).

Đến khi xuất bản xong bộ sách “Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886)” (Nxb. Văn Nghệ TP. HCM., 2004), tôi gửi sách tặng anh và nhờ anh chuyển tặng giúp đến các nhà nghiên cứu cùng một số nhà văn, thi sĩ ở Huế. Qua đó, tôi và Lê Tiến Công có dăm bảy cuộc điện thoại. Tôi càng hiểu anh là một người trẻ tuổi vừa tâm huyết với đề tài nghiên cứu, vừa rất nhiệt tình trong quan hệ, giao thiệp.

Có một điều rất đáng nhớ, trước hội thảo ấy khoảng hai tháng (5-2002), tôi mới sắm chiếc máy vi tính đầu tiên và lần đầu tiên gõ ngón tay mình vào bàn phím, sửa chữa, bổ sung và hoàn tất bản thảo “Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886), ‘những người trung nghĩa từ xưa, tưởng không hơn được’”, chủ yếu là cùng hai đứa con xếp chữ phần phụ lục, trích đoạn “Đại Nam thực lục”. Nhưng một điều trở thành cái mốc kỉ niệm khó quên là chính bởi Lê Tiến Công, tôi mới bắt đầu nhờ người đã mua giúp máy vi tính, vỡ lòng cho tôi về vi tính – Bùi Quang Ngọc, một kĩ sư tin học trẻ quen thân –, nối mạng liên thông toàn cầu (internet) và mở hộp điện thư (email), vào khoảng thời gian đầu năm 2005, sau Tết Nguyên đán Ất dậu, chính xác là ngày 14-3 HB5 (2005). Tôi nối mạng liên thông để nhận luận văn cử nhân sử học của Lê Tiến Công từ Huế gửi vào. Đó là nguyên nhân trực tiếp. Nhưng nguyên nhân xa hơn, rộng hơn, là để trao đổi với những ai yêu quý sử học (và văn chương) trên khắp hành tinh của chúng ta, điều mà tôi đã viết trong “Lời thưa đầu sách” của cuốn sách “Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886), ‘những người trung nghĩa từ xưa, tưởng không hơn được’”.

Sau hai hôm, sau vài cái điện thư thăm hỏi, ngày 16-3 HB5 (2005), lần đầu tiên tôi nhận và đọc một văn bản ở dạng điện thư có tập tin đính kèm như vậy.


2

Lê Tiến Công gõ phím với font VNtime new roman, hệ mã VietWares. Tôi lại không có phần mềm font và mã ấy. Khi in ra giấy để đọc, mỗi chữ đều bị một lỗi cách quãng, các kí tự không liền nhau thành chữ, nhưng vẫn có thể đọc được.

Với 84 trang giấy A4 trong tình trạng đó, luận văn của Lê Tiến Công vẫn chứa đựng tất cả công phu, trí tuệ và tâm huyết của một sinh viên năm cuối bậc đại học. Tuy nhiên, nhận thức lịch sử, phương pháp phân tích và quan điểm nhận định lịch sử của anh có những điểm tôi cho là chưa chính xác và thoả đáng, mặc dù về cơ bản, tôi thấy cách tiếp cận đề tài của anh khá gần gũi với những cuốn sách, bộ sách tôi đã viết và đã in vi tính hay đã chính thức xuất bản.

Dẫu rất quý mến và cảm nhận được một triển vọng tương lai là sẽ trở nên một nhà nghiên cứu tài năng ở Lê Tiến Công, tôi vẫn phải đối thoại phản biện với anh về những điểm cần thiết. Tuy nhiên, tôi quá bận nhiều việc khác, nên chỉ đề nghị anh đọc những cuốn sách tôi đã viết, xuất bản với hình thức sách in giấy hay sách điện tử (e-books). Tôi tự tin rằng, khi đọc xong số sách của tôi cùng đề tài anh nghiên cứu, viết luận văn, anh sẽ không thể không nhất trí với tôi.

Ít lâu sau, qua Yahoo Mail, anh có gửi điện thư với phần đính kèm vào TP.HCM.. Đó là một bài viết anh trích ra từ luận văn, có chỉnh lí, bổ sung: “Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường trong công cuộc chuẩn bị kháng chiến chống Pháp”.

Sau vài tháng, Lê Tiến Công có dịp vào TP. HCM.. Tôi và anh cùng người bạn gái của anh đã cụng li chúc mừng lần gặp mặt đó trong một tiệm ăn đặc sản Huế. Người bạn gái của anh vui vẻ nâng máy ảnh ghi hình chúng tôi, hai người đang ngồi đối diện với cô.


Hình ảnh:
Trần Xuân An & Lê Tiến Công,
khoảng tháng 10 HB5
(2005)
tại TP.HCM


Trong lần gặp mặt đó, hình như tôi có nhắc lại với Lê Tiến Công, bài viết về “tứ nguyệt tam vương” của anh, đăng trên Tạp chí Xưa & Nay, số 220, tháng 9-2004, trừ một, hai chi tiết nhỏ bị sơ suất không đáng kể (thật ra Ưng Chân - Dục Đức với Ưng Kĩ - Đồng Khánh không phải là hai anh em cùng cha khác mẹ…), tôi hoàn toàn nhất trí với anh. Tôi cũng khá nhất trí với anh về bài viết anh mới gửi vừa rồi, và lấy làm tiếc là anh không công bố bài viết ấy rộng rãi hơn. Tôi biết anh cũng như tôi, rất ngại khi phải gửi bài ra hải ngoại. Nhưng tôi bị trói buộc quá sức, gặp dịp tôi cũng liều “ra trận”, “cọ xát” hay “vượt biên tinh thần” gì đó (đùa một chút!); còn anh, anh không dám. Anh có sự ràng buộc nào đó và chấp nhận sự ràng buộc ấy, ai cũng hiểu và thông cảm.


3


Đến khi chính thức xuất bản hai cuốn sách, “Tiểu sử biên niên phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886), kẻ thù không đội trời chung với chủ nghĩa thực dân Pháp”“Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886), một người trung nghĩa”, với hình thức sách in giấy (9-2006), sau trên dưới một năm xuất bản trên mạng liên thông toàn cầu, tôi có cảm giác của một tác giả có nhu cầu đối thoại. Chợt nhớ lại luận văn cử nhân và bài viết phát triển từ luận văn ấy của Lê Tiến Công, tôi đề nghị anh đồng ý đưa lên web của tôi. Lê Tiến Công nhất trí. Anh gửi vào bản luận văn ấy lần thứ hai.

Bản thứ hai này, cũng qua đường Yahoo Mail, tôi khỏi dùng VietSpell để chuyển thành hệ mã unicode. Anh đã tỉa bớt những câu, những đoạn ở phần mở đầu, có tình chất quy phạm của một luận văn. Hầu như anh không sửa chữa, bổ sung gì thêm.

Và lần này, sau khi đưa lên web bài viết trích ra từ luận văn ấy, tôi đưa lên luôn cả luận văn cử nhân sử học (2002) của Lê Tiến Công. Như thế thì rất cần phải góp ý, phản biện với một người đã vừa bảo vệ thành công luận án thạc sĩ (2006). Mặc dù luận án thạc sĩ của Lê Tiến Công viết về đề tài khác, nhưng tôi tin chắc về mặt phương pháp luận và “tay nghề” nghiên cứu của anh đã vượt xa trình độ của chính anh cách đây đã 4 năm về trước. Dẫu vậy, tôi chưa rõ Lê Tiến Công thạc sĩ hiện tại đang thẩm định lại luận văn cử nhân của anh như thế nào. Trong giới nghiên cứu cũng như sáng tác, có khi những công trình, tác phẩm đầu tay lại là những gì một đời tâm đắc nhất, cho dù bao giờ cái đầu tay cũng còn những vụng về, non nớt về kĩ thuật, phương pháp, vốn kiến thức và kinh lịch (vốn sống trải nghiệm). Tôi muốn nói, luận văn cử nhân của anh có nhiều chi tiết nhỏ và vài điểm mấu chốt đến nay chắc hẳn anh đã nhận ra tính chất sai lệch trong đó, mặc dù nhìn chung về cơ bản là xứng đáng để lưu giữ, sửa chữa, bổ sung và phát triển.

1. Về giai đoạn đầu dân tộc ta chống thực dân Pháp, dưới ngọn cờ phong kiến nhà Nguyễn (1858 – 1885), tôi chỉ nhấn mạnh đến một nhận định có tính chất bao trùm, xuyên suốt của anh:

“… Tình hình đó đã gây cho địch nhiều hoang mang lo sợ. Nhưng cũng chính lúc đó triều đình Huế lại ký với Pháp hiệp ước 5 / 6 / 1862, cắt 3 tỉnh Miền Đông và Côn Lôn cho Pháp cùng với những nhượng bộ nặng nề khác. Mục đích của triều đình Huế là để rảnh tay đối phó với cuộc nổi dậy ở Bắc Kỳ. Trong suy tính của triều đình, nước ta sẽ lấy lại được ba tỉnh miền Đông một khi đã giải quyết xong việc Bắc Kỳ. Như vậy, có thể nói, triều đình Huế sợ nhân dân hơn sợ giặc (nhấn mạnh – TXA.). Vì vậy đã tạo điều kiện về thời gian hòa hoãn cho quân Pháp củng cố lực lượng, tiếp tục âm mưu xâm lược nốt ba tỉnh miền Tây. Đến 6 / 1867, thực dân Pháp chỉ mất 5 ngày để thực hiện xong mục tiêu đó mà không tốn một viên đạn, một tên lính nào. Nhưng ngay sau đó, phong trào kháng Pháp của nhân dân lại tiếp tục dâng cao, tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa của Phan Tam - Phan Ngũ, Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Hữu Huân... Phong trào kháng Pháp lan rộng khắp Nam Kỳ, khiến cho kẻ thù khiếp sợ. Nhưng cuối cùng, do triều đình Huế cố tình bỏ rơi, tìm cách ngăn cản, thậm chí tiếp tay cho giặc Pháp đàn áp phong trào, vì vậy các cuộc khởi nghĩa lần lượt thất bại”.

Tôi nhận thấy Lê Tiến Công đã ít nhiều viết theo sách giáo khoa và sách giáo khoa hiện nay lại mang những “di căn” của Đàng Ngoài, một Đàng Ngoài của vua Lê chúa Trịnh thất bại, và bị thống trị, kìm chế bởi nhà Nguyễn Đàng Trong. Mặt khác, Lê Tiến Công viết theo quan điểm và lập trường chống guồng máy cai trị, mà chống guồng máy cai trị cho dù ở thời đại nào, quan điểm, lập trường ấy hình như cũng luôn luôn có sức lôi cuốn. Nói đơn giản là cứ cho nhân dân tất thảy đều đúng và chính quyền tất thảy đều đáng lên án, thì mới nghe qua, cảm thấy rất thuận lòng dân và thuận lòng kẻ sĩ, trí thức vốn dễ thân dân. Anh không biết rằng Đàng Ngoài thường xuyên nổi dậy chống triều Nguyễn với ngọn cờ đã bị lịch sử vượt qua là “phù Lê” sao? Và không biết “giặc theo đạo Gia-tô” ở Đàng Ngoài là rất đáng sợ đối với triều Nguyễn sao? Tạ Văn Phụng (Lê Duy Phụng) là tiêu biểu. Rồi lại thêm loại “giặc Cờ”, tàn dư Thái Bình thiên quốc biến tướng thành phỉ, mưu toan xưng hùng xưng bá ở Bắc Kỳ! Thật ra, Lê Tiến Công có đề cập đến, nhưng khi nhận định, hầu như anh theo nếp mòn là rặt một giọng lên án triều Nguyễn. Rõ ràng là thiếu nhất quán và khá mâu thuẫn! Đâu phải chỉ viết “có thể nói, triều đình Huế sợ nhân dân hơn sợ giặc”, theo mạch văn là giặc Pháp, mà quên rằng trong nhân dân còn có loại giặc nội loạn, giặc “tả đạo”, giặc “phù Lê”.

Có lẽ Lê Tiến Công cũng cần bổ sung quan điểm toàn cục, nhìn rộng ra toàn cảnh thế giới trong các thế kỉ từ XVI đến XIX, đầu thế kỉ XX, để từ đó thấy tình cảnh của hầu hết các nước Á, Phi, Mỹ la-tinh, kể cả Trung Hoa, khổng lồ về địa dư và dân số, trước nạn thực dân Phương Tây, Âu Mỹ nói chung! Nói đúng hơn, không phải Lê Tiến Công không hiểu và không đưa vào luận văn quan điểm đó ở một vài chỗ, nhưng chỉ một vài chỗ mà thôi, còn tựu trung Lê Tiến Công vẫn chỉ đóng khung với quan điểm cục bộ, thấy Đại Nam chứ không thấy toàn cảnh Á, Phi, Mỹ la-tinh, trong đó, có cả Trung Hoa, và có thể kể thêm Ấn Độ khổng lồ!

Bấy giờ, vũ khí lạc hậu là một trong vài nguyên nhân chung của nhiều nước, dẫn đến sự thất bại trước liên quân Phương Tây, Âu Mỹ xâm lăng. Vũ khí quyết định cách chiến đấu của người chiến sĩ, quyết định binh pháp của các tướng cầm quân. Các vị danh tướng, như Nguyễn Tri Phương, Hoàng Tá Viêm, Hoàng Diệu, Ông Ích Khiêm, Tôn Thất Thuyết, với vũ khí và binh pháp cổ truyền, đều thất bại đau đớn trước vũ khí và binh pháp Phương Tây, cụ thể là Pháp, Tây Ban Nha! Chẳng lẽ Lê Tiến Công không thấy được điều này sao?

Nói cho công bằng, triều Nguyễn chịu trách nhiệm về việc mất nước. Nhưng đâu phải chỉ triều Nguyễn, mà chính là giáo dân Thiên Chúa giáo Việt Nam và chính một bộ phận khá lớn nhân dân Đàng Ngoài, phải chịu chung trách nhiệm ấy. Đồng thời, phải thấy trình độ chung về khoa học kĩ thuật của các nước Á, Phi, Mỹ la-tinh, trong đó có kĩ thuật hàng hải, công nghệ vũ khí và điện báo nữa!

Ngoài ra, tưởng cũng cần nhắc thêm: Nước ta không chỉ đối diện với sự xâm lược của liên quân Phương Tây (Pháp, Tây Ban Nha...), mà còn đứng trước mưu toan xâu xé, chia đôi Bắc Kì với Pháp của Trung Hoa! Trung Hoa còn kí hiệp ước Thiên Tân (27 - 4 Ất dậu [09 - 06 - 1885]), câu kết với Pháp, cô lập hoàn toàn nước ta nữa!

2. Về nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886), mặc dù nhìn chung, Lê Tiến Công cố gắng làm sáng tỏ khá nhiều những điểm anh gọi là “điểm gút” về ông. Tuy vậy, điểm mấu chốt nhất là cuộc kinh đô quật khởi, bị thất thủ (05 - 7 - 1885 / 23-5 Ất dậu) và hai tháng sau đó, anh phân tích, lí giải không thật đúng với sự thật lịch sử. Một điều khá tai hại là anh sử dụng các nguồn tư liệu nhưng không phân loại tư liệu, xác định độ khả tín của từng nguồn tư liệu. Những trích dẫn của anh, có chỗ anh chỉ lẩy ra các đoạn tệ hại nhất, nhưng không phân biệt thể loại (châu bản, sử [biên niên hay khảo luận], vè, thơ, bài báo…) và do đó anh nhận định sai lạc. Chỉ cần nói một điều: “Vè Thất thủ kinh đô”“Hạnh Thục ca” là loại văn vần có cốt truyện. Chắc hẳn anh thừa biết, theo diễn biến cốt truyện, có khi nhân vật có thể bị đẩy vào tình huống tệ hại nhất để rồi sau đó mới thấy được thực chất trong sáng của nhân vật. Hai đoạn anh trích dẫn viết về thời điểm Nguyễn Văn Tường vào Nhà Chung gặp cố đạo Caspard (cố Lộc hay cố Kim Long), không phải là hai đoạn kết luận về thực chất của Nguyễn VănTường! Đó là chưa nói đến tính xác thực của loại văn chương công khai thời mất nước, mà tôi từng viết:

“Súng rền, khâm sứ bôi nhoà
Hòm tù đỏ, ‘Hạnh Thục ca’ hoen vàng
‘Vè Thất thủ’ giữa dân gian
Giọng run lệch, bởi chuông vang giáo đường”

(Trần Xuân An, “Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886), một người trung nghĩa”, Nxb. Thanh Niên, 2006, tr. 291 – 292).


Và đây là hai đoạn tôi phân tích sơ lược về hai tác phẩm đó, chắc Lê Tiến Công đã đọc.


Về “Vè Thất thủ kinh đô”:

“Cước chú của bài thơ số 27, thuộc Phần thứ III (Thi tập Nguyễn Văn Tường):

(*a) Vè “Thất thủ kinh đô”, theo chúng tôi, cũng rơi vào quỹ đạo của luận điệu tuyên truyền do Pháp và triều đình Đồng Khánh tung ra. Đây là một thủ đoạn rất tinh vi của thực dân Pháp; hoặc do dân gian mù lòa trong nhận thức, nhận thức chính trị với tư duy đơn giản kiểu rạch ròi, tuyến tính cứng nhắc trong các vở tuồng cổ, cải lương, chèo cổ, mà vô hình trung có lợi cho Pháp và bọn tay sai.

Ca ngợi Tôn Thất Thuyết lại bằng những câu:

“Chú nào con vợ chưa thành
Cho về sở định sở sanh việc nhà
Chú nào lưa mẹ còn cha
Cho về bảo dưỡng, vậy mà đừng đi”

Có nhà sử học, nhà văn cho rằng đấy là chủ nghĩa nhân đạo của Tôn Thất Thuyết!

Không đời nào có kiểu tuyển quân kháng chiến kì quặc với các tiêu chuẩn như thế. Thế thì chẳng còn người lính kháng chiến nào hết (chỉ chọn người đã mồ côi cha mẹ và đã có vợ con!). “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh” (tục ngữ), “mỗi người làm một trận” (Nguyễn Trãi), “đàn ông nào, đàn bà nào, thấy Tây cứ chém phứa, thấy Nhật cứ chặt nhào” (Hồ Chí Minh), chứ đâu phải tuyển quân kiểu đó! Tuyển quân kiểu đó, không phải kháng chiến, mà chỉ “băng mình tếch dặm sơn phòng náu nương” (VTTKĐ., câu 1036)!

Vè “Thất thủ kinh đô” chỉ minh họa theo luận điệu của thực dân Pháp và triều đình Đồng Khánh: Tôn Thất Thuyết chỉ tìm kế thoát thân, chứ chẳng kháng chiến gì cả.

Vè “Thất thủ kinh đô” đã bắn vào tim Tôn Thất Thuyết viên đạn bọc đường: giết chết nhân cách Tôn Thất Thuyết bằng viên kẹo ca ngợi ngọt lịm mà bên trong là mũi đạn có thuốc súng công phá.

Còn với Nguyễn Văn Tường, vè “Thất thủ kinh đô” triệt hạ cả tư cách, phong độ lẫn lập trường chính trị. Tuy vậy, vẫn nói rõ: đến mức không thể hòa hoãn với Pháp được nữa, bởi Pháp cố tình gây hấn, dùng kế khích tướng, ép Triều đình một cách ngạo mạn, ông đã bày tỏ thái độ (tuy bị nhu nhược hóa!):

“Ai có tài ra chốn binh đao
Miễn yên nhà [yên] nước, lẽ nào dám can”
(VTTKĐ., câu 633 - 634)

Và ở đoạn kết, lúc kinh đô Huế đã thất thủ:

Đô thành, quan Quận giao hòa
Lựa chiều hơn thiệt nói mà với Tây
Tây phiên gẫm vẫn giận thay:
– “Đem lòng cự chiến còn đến đây làm gì?
May mà Nam Việt bại suy
Tây mà bại, đạo phen ni cũng không còn...”
(VTTKĐ., 1335 - 1340)

Quan một cho đến quan ba
Quan năm quan sáu vậy mà cũng nghe
Đòi triệu các quan tỉnh trở về
Sự tình y ước cho ra bề đục trong
Tin thì tin, dạ còn phòng
Nam triều tể tướng nó đem lòng phục binh

(VTTKĐ., 1371 - 1376)

“Mời quan tể tướng xuống mau
Để kịp xuống tàu về nước Lang Sa”
(VTTKĐ., 1535 - 1536)

Dẫu có chút nào đúng với ĐNTL.CB., tập 36, các trang 63 - 64, 220 - 222, 247, tuy tinh thần chủ chiến đã bị xuyên tạc phần lớn, thì những đoạn khác vẫn có quá nhiều sai lạc nghiêm trọng (sai lạc cả những chi tiết nhỏ lẫn những mảng hiện thực lịch sử lớn).

Vè “Thất thủ kinh đô” không phân biệt được chủ chiến trong đấu tranh chính trị, ngoại giao và chủ chiến bằng vũ trang là một, “nhất dạng”, dẫn đến sự lệch lạc trong việc xây dựng hình tượng nhân vật theo tưởng tượng hư cấu chủ quan.

Vè “Thất thủ kinh đô” đã xuyên tạc, li gián cả hai người lãnh đạo cao nhất của nhóm chủ chiến, làm phong trào Cần vương hoang mang, tan rã, khiến người yêu nước không nhận ra thủ đoạn tuyên truyền của Pháp và triều Đồng khánh, rất dễ bị mắc lừa!

Vè “Thất thủ kinh đô” còn là cách biện minh cho Pháp, tả đạo, bọn tay sai và phe chủ “hòa”! (Xem các bài dụ của Từ Dũ – Nguyễn Nhược thị Bích viết thay – và của Đồng khánh về Tôn Thất Thuyết). Chả thế mà Le Bris đã dịch ra tiếng Pháp, đăng trên tạp chí "Những người bạn cố đô Huế" (BAVH.), số 1, năm 1942... (xem thêm tr. 235).

Chúng tôi chưa nói đến vè “Thất thủ Thuận An”, một sáng tác được cho là của dân gian vì đã lưu truyền trong dân gian, với những sai lạc, những xuyên tạc nghiêm trọng của nó: “đánh tráo nhân vật hư cấu”, Nguyễn Trọng Hợp thành Nguyễn Văn Tường, đồng thời biện minh cho tên thực dân tả đạo Caspar! Tên cơ hội, tay sai Nguyễn Trọng Hợp thì Đại Nam thực lục, chính biên, tập 36, 37 và Đại Nam liệt truyện, tập 4, sđd., đã ghi quá rõ hành trạng của y cũng như ý thức làm tay sai cho Pháp của y...”.

(Trần Xuân An, “Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886) – Thơ – Vài nét về con người tâm hồn, tư tưởng”, chú thích ở bài thơ số 27:
http://tranxuanan-writer-6.blogspot.com
/2006/11/nguyen-van-tuong-1824-1886-tho-vai-net_1864.html
).


Cũng như nhà thơ Lương An, tôi không nói đến bản “Vè Thất thủ kinh đô” tái chế, giả mạo được viết lại vào năm 1969, sau Tết Mậu thân 1968 ở Huế:

“ … trích dẫn "Vè thất thủ kinh đô" ở một dị bản nào đó với một đoạn mà trong 7 bản lưu hành trước đây do Lương An sưu tầm, chỉnh lí, đều không có đoạn ấy. Có thể đoạn ấy thuộc dị bản thứ 8, gọi là "bản Đạm Hiên". Lương An đã thẩm định bản Đạm Hiên này như sau: "Cũng xin nói thêm là chúng tôi có một bản đánh máy bản do ông Đạm Hiên ở Huế hiệu đính năm 1969. Nhưng đây là một bản gần như viết lại hoàn toàn, không phải là hiệu đính, nội dung lại có nhiều lệch lạc. Bản này chúng tôi không dùng" (Lương An, bản thảo "Vè chống Pháp", viết tay, chụp lại; tr. 2 của bài "Về công tác văn bản và chú thích vè "Thất thủ kinh đô"" thuộc bản thảo này)”.

(Kiến Phúc – Wikipedia
http://tranxuanan-wikipedia.blogspot.com
/2006/06/wikipedia-kin-phc-bn-lu-b.html
).



Về
“Hạnh Thục ca”:

“(3). Trần Trọng Kim nhận định về tác giả Hạnh Thục ca: “… Bà Lễ tần Nguyễn Nhược Thị [Bích] có thể biết đúng sự thực theo cái quan điểm của người mình bấy giờ” [!] [nhấn mạnh – TXA.]. (HTC., lời tựa Trần Trọng Kim, sđd., tr. X). Nhận định ấy, phải nói là sâu sắc: nhận thức sự thật lịch sử theo lăng kính riêng và lăng kính thời đại phong kiến. Theo Trần Trọng Kim, đó là quan điểm (:lăng kính) bảo hoàng. Ông ta cũng trình bày rõ, bản HTC. ông tìm được đã bị chép lại và chép sai nhiều chỗ. Trong lời tựa và ở phần chú thích, Trần Trọng Kim bị sức ép lộ liễu hoặc ngấm ngầm của cường quyền thực dân, nên đành phải cố tình xuyên tạc thêm. Vì thế, ít nhiều đã rơi vào mục đích “đập tan tành” uy tín Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết, theo ý đồ của thực dân Pháp, tả đạo. Do đó, trừ đi mấy chỗ ấy, còn lại, những đoạn HTC. khẳng định nét tích cực (yêu nước, chống Pháp đến cùng …) của Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết đã trở thành vô cùng giá trị, đạt mức xác tín cao. Và cũng với mức xác tín cao như vậy, đoạn HTC. viết về âm mưu của Rheinart và Hồng Hưu trong cái chết của Kiến Phúc (HTC., sđd., tr. 31 – 34). Xin xem kĩ ĐNTL.CB., tập 36, sđd., tr. 176 – 177.

Cần nói thêm: Trần Trọng Kim ít nhiều có tinh thần dân tộc, chống Pháp. Trong thời bị Pháp đô hộ, ông ta chỉ là một nhà giáo, học giả. Đến thời phát xít Nhật xâm lược, Trần Trọng Kim mới … “bị mời” làm thủ tướng!”.


(Trần Xuân An, “Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886), một người trung nghĩa”, bài “Bi kịch ở đỉnh điểm mâu thuẫn và sự chiến thắng của nhóm chủ chiến yêu nước triều đình Huế”:
http://tranxuanan-nvtnntnghia.
blogspot.com/
).


Trong "Hạnh Thục ca", ở những đoạn cuối, mới phần nào khẳng định được nhân cách và thái độ, ý thức chính trị chống Pháp, chống bọn tay sai của Nguyễn Văn Tường:

Pháp nhân [= người Pháp] lập ước hội đồng
Những điều lấn hiếp khó lòng y theo
Văn Tường chẳng khứng thuận chiều
Trái tình, Hữu Độ mượn điều Bắc quy”

(HTC., sđd., tr. 48).


Điều quan trọng nhất, có lẽ là ta đừng bao giờ mắc mưu của bọn xấu, chuyên xuyên tạc, bôi nhọ vì mục đích chính trị xâm lược bằng cách trích dẫn tràn lan tác phẩm của chúng, hoặc sử dụng tư liệu có xuất xứ là các tác giả vô tình mà trở thành cây bút xấu (viết trong vòng vây của thực dân, tả đạo chẳng hạn). Ta cứ trích dẫn như thể liệt kê mà không hề thẩm định khảo chứng các nguồn tư liệu ấy, làm như ta khách quan, trung lập, vô tư, nhưng thực chất là ta ngây thơ! Tôi đã từng viết để đối thoại với một người, đại để, ví dụ ở đây: Lê Tiến Công không bao giờ “đạo văn” (xin lỗi Lê Tiến Công, khi ví dụ như thế), nhưng có một bài báo vu khống Lê Tiến Công như vậy; vậy thì khi viết tiểu sử Lê Tiến Công, ta có trích dẫn bài báo đó hay không? Trích dẫn bài báo ấy là mắc mưu chúng!

Trong luận văn của Lê Tiến Công, bản anh gửi cho tôi đọc vào ngày 16-3-2005, có đoạn anh trích một câu của một tác giả kinh điển Marxiste (tôi viết hoa): ““Trong mọi vấn đề thuộc khoa học xã hội học, phương pháp chắc chắn và cần thiết để thực hiện [là – ct.] có được thói quen đề cập vấn đề một cách đúng đắn và không bị sa đắm vào rất nhiều chi tiết hoặc nhiều ý kiến đối lập nhau (nhấn mạnh – TXA.). Điều kiện quan trọng nhất của sự nghiên cứu khoa học là không nên quên sự liên hệ lịch sử, căn bản là nhận xét vấn đề theo quan điểm sau đây: Một hiện tượng nào đó đã xuất hiện trong lịch sử như thế nào, các giai đoạn phát triển của nó là gì, [mà??? / và] đứng trên quan điểm của sự phát triển [về quá trình phát triển – ct.] của nó để xem xét hiện nay hiện tượng đó đã trở nên như thế nào” [41, 512]” (thứ tự tư liệu tham khảo: 41: Các Mác – Ăngghen, Chủ nghĩa Mác, NXB Sự Thật, H. 1970, tr. 512).

Tôi nhận thấy chúng ta cần phải tỉnh táo như thế: “đề cập vấn đề một cách đúng đắn và không bị sa đắm vào rất nhiều chi tiết hoặc nhiều ý kiến đối lập nhau” (nhấn mạnh – TXA.) [*]. Những câu hỏi muôn thuở, muôn nơi của người nghiên cứu vẫn là: Who? What? When? Where? Why? How?. Lê Tiến Công có dùng thuật ngữ: phương pháp lịch sử; anh còn nhắc đến phương pháp lô-gic, và phương pháp cụ thể hơn: đối chiếu, so sánh, phân tích, tổng hợp tư liệu; nhưng quên một thuật ngữ chính xác hơn: khảo chứng tư liệu, trong đó có phân loại tư liệu; và cần thiết phải diễn đạt rõ hơn nữa: quan điểm về sự vận động, phát triển của sự vật, hiện tượng trong mối tương tác với các sự vật, hiện tượng khác; quan điểm lịch sử - cụ thể, cái nhìn bao quát cả bộ phận lẫn toàn cục


Và về tư liệu gốc, mong Lê Tiến Công đừng quên bản án chung thẩm cực kì quan trọng, do ngụy triều Đồng Khánh kết án nhóm chủ chiến (có chữ kí của De Courcy), và chúng đã thi hành án này đối với Nguyễn Văn Tường:

“Tôn nhân phủ và đình thần dâng sớ tâu bày tội trạng của Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết, xin tước hết quan tước và tịch thu gia sản; tham tri Trương Văn Đễ đã quá cố, và chưởng vệ Trần Xuân Soạn, đều là bè đảng làm loạn, cũng tước cả quan chức. Trong bọn ấy, thì Tôn Thất Thuyết, Trần Xuân Soạn, xin do quan địa phương xét bắt bằng được và chém ngay, để tỏ rõ hiến pháp trong nước. Vua nghe theo”. (ĐNTL.CB., tập 37, sđd., tr. 35).

Hai điều nhỏ cuối bài, xin được góp ý với Lê Tiến Công:

+++ Ngày tháng lịch sử trong luận văn của anh không được chính xác lắm, như thể anh đã vô tình viết sai hẳn hoặc gõ phím nhầm quá đáng.

+++ Với các trích đoạn tư liệu, rất cần thiết phải kiểm tra lại kẻo bị thiếu sót hoặc bị sai chính tả, nghiêm trọng nhất là bị sai chữ (chữ “tác” thành chữ “tộ”).

Và tôi tạm ngừng bài viết ở đây. Mong Lê Tiến Công đọc kĩ những cuốn sách, bộ sách tôi viết về đề tài “nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886) trong bối cảnh nửa sau thế kỉ XIX” và đã xuất bản bằng hình thức sách in giấy, sách điện tử. Xin đọc thật kĩ và đối chiếu từng chi tiết [**]. Tôi tin rằng Lê Tiến Công sẽ chỉnh lí lại luận văn của anh [***], để luận văn ấy trở thành một cuốn sách hẳn hoi.

Mong rằng bài viết này cũng là một kỉ niệm của chúng ta.

Từ khoảng 8 giờ sáng đến 16 giờ 28’,
thứ năm (thứ sáu cũ), 24 - 11 HB6 (2006)

Trần Xuân An



& 6 : 35 - 15 : 36, 25 - 11 HB6 (2006).

______________________________

[*] Ở đây, xin hiểu ý tưởng "không bị sa đắm vào rất nhiều chi tiết hoặc nhiều ý kiến đối lập nhaukhông có nghĩa là phủ nhận các thông tin, các nhận định có nhiều xuất xứ khác nhau trên cơ sở tôn trọng tối đa sự thật lịch sử. Một khi đã tôn trọng tối đa sự thật lịch sử (bao gồm sự kiện lịch sử và nhân vật lịch sử), các chi tiết và các ý kiến mặc dù đối lập nhưng về cơ bản tất nhiên là thống nhất với nhau. Ý tưởng của câu trên chỉ diễn đạt các chi tiết và ý kiến đối lập trong mâu thuẫn đối kháng, quyết tiêu diệt nhau. Các chi tiết và ý kiến nảy sinh từ mâu thuẫn đối kháng thường là xuyên tạc, chụp mũ, bôi nhọ bất chấp sự thật lịch sử, và càng nguy hiểm hơn, nếu các chi tiết và ý kiến ấy được bịa ra, lại được biểu đạt với các thủ thuật, thủ đoạn tinh vi trong kĩ xảo tuyên truyền (văn chương, hình ảnh...). Vì thế, vấn đề đặt ra một cách khoa học và nghiêm cẩn là phải khảo chứng tư liệu, trên cơ sở phân loại tư liệu, trong đó có cả việc loại bỏ những tư liệu giả, xuyên tạc, bôi nhọ, xuất phát từ tâm thế chính trị hay do mục tiêu chính trị, và tư liệu được viết ra bởi những người vô tình bị mắc mưu tuyên truyền xuyên tạc, bôi nhọ. Cố nhiên việc loại bỏ các thứ tư liệu loại ấy phải được công bố rộng khắp. Ngay trong thư mục tham khảo, nó cũng cần phải được ghi chú rõ ràng để người đọc khỏi bị vướng mắc vô lối.

11 : 15' & 14 : 18', thứ nhất (thứ hai cũ), ngày 27-11 HB6
[7-10 Bính tuất HB6].
TXA.


[**] Có thể vì điều kiện thời giờ eo hẹp, khó có thể đọc hết và đọc thật kĩ tất cả những cuốn sách, bộ sách tôi đã viết về đề tài này để đối chiếu. Vì vậy, vui lòng lưu ý bài viết cơ bản và quan trọng nhất:
NGUYỄN VĂN TƯỜNG (1824 - 1886)
VỚI NHIỆM VỤ LỊCH SỬ
SAU CUỘC KINH ĐÔ QUẬT KHỞI (05 - 7 - 1885)


Trân trọng & thành thật cảm ơn.

28-11 HB6 (2006)
[08-10 Bính tuất HB6]

[***] Thật ra, Lê Tiến Công đã có bài viết:

PV (Lê Tiến Công), BỘ TRUYỆN - SỬ KÝ - KHẢO CỨU TƯ LIỆU LỊCH SỬ "PHỤ CHÍNH ĐẠI THẦN NGUYỄN VĂN TƯỜNG (1824 - 1886)" Tạp chí Huế Xưa & Naysố 68 (3 – 4) 2005mục Thông tin lịch sử – văn hoá Huế, tr. 103 – 104
http://tranxuananpcdtnvt4c.blogspot.com/


_______________

Thử nghiệm tại website

GOOGLE DOCS & SPREADSHEETS:

http://docs.google.com/

http://docs.google.com/View?docid=dc9fgpkh_16fbm6nq (page 1)

http://docs.google.com/View?docid=dc9fgpkh_17dpvqkk (page 2)

_____________________________________________

Ngày 11-12 HB6 (2006):

Thử nghiệm cách trình bày nền của bài viết:

http://docs.google.com/View?docid=dc9fgpkh_87cs9vnm

______________________________________

Về câu ở phần lề bên dưới các trang này ==>> Không ai có quyền sửa chữa các bài báo nghiên cứu, bình luận và luận văn, ngoại trừ các tác giả (nếu hai tác giả Nguyễn và Lê muốn sửa, họ sẽ gửi điện thư đến TXA.) [[About the sentence at the bottoms of these pages ==>> Nobody have permission for editting the contributions of comment, research and dissertation, except the authors (if two authors Nguyen and Le want to edit, they will send emails to TXA.)]] -- TXA.

4. LÊ TIẾN CÔNG -- TÌM HIỂU VỀ NHÂN VẬT LỊCH SỬ NGUYỄN VĂN TƯỜNG (1824 - 1886) / tệp 2

LÊ TIẾN CÔNG
Luận văn cử nhân sử học
Đại học Khoa học Huế
Khoá 1998 - 2002
Năm bảo vệ luận văn: 2002

Giảng viên hướng dẫn:
1. PGS. TS. Đỗ Bang
2. Thạc sĩ Nguyễn Quang Trung Tiến


Đề tài luận văn:

TÌM HIỂU NHÂN VẬT LỊCH SỬ
NGUYỄN VĂN TƯỜNG
(1824 – 1886)


Vài lời của TXA.

Đây là nguyên văn bản luận văn được Lê Tiến Công bảo vệ thành công vào mùa hè 2002 để nhận bằng cử nhân sử học tại Đại học Khoa học Huế, chưa được anh chỉnh sửa các lỗi gõ phím vi tính.

Tôi được sự uỷ nhiệm của Lê Tiến Công, một nghiên cứu sinh vừa trình luận án thạc sĩ (2006), để “biên tập” lại các lỗi nói trên, viết một đôi lời gọi là “phản biện”. Nhưng trước mắt tôi cứ để nguyên vẹn như nguyên bản vốn có (bản nhận lần thứ hai, 18-11 HB6 [2006]). Tôi có ý định sẽ đối chiếu lại với bản trước đây, nhận vào ngày 16-3 HB5 (2005), năm ngoái, và cùng lúc sẽ “biên tập” lỗi gõ phím; sau đó mới có thể phản biện đôi điều.

Xin vui lòng xem lại "Vài lời..." ở khung trang trước.

Trân trọng giới thiệu với người đọc.

TXA.
Tối thứ sáu (thứ bảy cũ), ngày 18-11 HB6 (2006)
tại TP. HCM.




(Tiếp theo phần 1)


2.4.2. Chuẩn bị cho cuộc kháng Pháp.


Việc phế lập cũng như loại trừ các phần tử chủ hòa chính là một phần và là cơ sở cho việc chuẩn bị lực lượng kháng Pháp. Với tư cách là thượng thư đầu triều cho đến trước ngày kinh đô thất thủ (5 / 7 / 1885), Nguyễn Văn Tường đã cùng lúc tiến hành hai hoạt động, vừa khéo léo trong thương thuyết, quan hệ [ngoại giao – bt.] làm giảm sự ràng buộc đối với Pháp lại vừa phối hợp với Tôn Thất Thuyết chuẩn bị lực lượng kháng Pháp trong toàn quốc.

Trong quan hệ với Pháp, cho dù đã phải nhượng bộ ký hiệp ước 1874, song sau đó chính Nguyễn Văn Tường đã xúi giục Tự Đức xem thường hiệp ước. Kết quả là “những đòi hỏi của ông Rheinart gửi cho Tự Đức gặp phải sự bất đồng có tính toán cũng như gặp phải các phương pháp cách ly và kìm hãm có hệ thống do ác ý và nghi ngờ làm cho những điều nhượng bộ của họ đối với ta thành ra vô hiệu” [16, 39]. Như vậy là từ thời Tự Đức, Nguyễn Văn Tường đã tìm cách ngăn trở người Pháp. Và từ sau khi Thuận An thất thủ (8 / 1883), Nguyễn Văn Tường đã cố tình lẩn tránh trách nhiệm thi hành các điều ước bằng việc không chính thức ký vào hiệp ước Patenôtre. Người Pháp đã ghi nhận điều đó: “Ông Nguyễn Văn Tường cử hai đại diện để ông khỏi phải tự tay ký tên, đến thương thuyết ở nhà phái bộ. Cái từ “bảo hộ’’ đã được bàn cãi kỹ lưỡng, rồi đến điều khoản V (năm) cho phép khâm sứ và tùy tùng được đóng ở Mang Cá, trong thành nội cũ được bàn cãi rất lâu” [16, 59]. Cho đến khi hiệp ước đã ký rồi Nguyễn Văn Tường vẫn tìm đủ cách quanh co không cho Pháp đóng quân ở Mang Cá. Thậm chí trong cách hiểu của người Pháp thì Nguyễn Văn Tường đã xoay xở bằng mọi cách như việc giết vua Kiến Phúc để không phải thi hành hiệp ước đã ký. Rồi sau đó Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết đưa Hàm Nghi lên ngôi mà Không thông qua “bảo hộ” lại càng gây nên mâu thuẫn, như là sự thách thức đối với quân Pháp. “Cũng năm trước đó, sau khi Vua Hiệp Hòa mất, vị thừa kế Kiến Phúc được cử lên không có ý kiến của chúng ta, mặc dù có những phản kháng của De [hoặc de; viết hoa theo quy tắc tiếng Việt – bt.] Champeaux. Chúng ta không thể tha thứ cho một vi phạm về các quyền hạn mà chúng ta được thừa nhận ở hiệp ước ngày 25 / 8 / 1883” [72, 77 ]. Vì thế mà tướng Pháp Millot đã đưa gấp một trung đoàn vào Huế để chiếm kinh thành và để tấn tôn vua mới. Sau những trao đổi căng thẳng giữa một bên là Nguyễn Văn Tường, một bên là Guerrier và Rheinart. Cuối cùng thì lễ thụ phong cũng diễn ra với sự tổ chức hoàn hảo của phía triều đình Huế. Ở đây chúng tôi chỉ muốn nói đến sự hạn chế, né tránh và thái độ thoái thác các đề nghị [của Pháp mà] Nguyễn Văn Tường [ứng xử - bt.] đối với quân Pháp. A. Delvaux ghi nhận: “Ngày hôm sau (17 / 8 / 1884) vào lúc 09 h 00 sáng, ông Guerrier và ông Rheinart đến hoàng cung với 25 sĩ quan lục quân và hải quân với 160 lính, ông đi vào không đeo gươm, bằng cổng chính theo sau kiệu để trống của nhà vua, đi đến tận ngai đặt giải bắc đẩu bội tinh vào đấy, khi trở về thì thấy cổng đã đóng lại, ông phải ra cổng bên. Trong khi các vị quan lại cười thầm chế giễu buổi lễ kì cục và nhục nhã dành cho ông đại tá... Nói chung chẳng có gì thay đổi ở Huế ngoài sự đổi tên của nhà vua” [16, 62]. Có thể nói sự “dàn dựng” lễ tấn phong là thành công lớn của phe chủ chiến.

Đến lượt Pháp đòi đóng quân ở đồn Mang cá, đó là điều bất lợi cho phe chủ chiến, vì vậy Nguyên Văn Tường đã phản đối quyết liệt: “Ông phụ chính Tường đúng như chúng ta đã dự đoán, lại phản đối kịch liệt hơn bằng cách cho rằng hiệp ước chưa được phê chuẩn và điều V được nói trong hiệp ước là do bị ép, và sự chiếm đóng này sẽ làm dân nổi loạn. Nhưng lý do thực tế là đồn Pháp đóng gần gây trở ngại cho việc phòng thủ kinh đô Huế, công việc mà ông phụ chính muốn giấu các nhà chức trách Pháp” [16, 63]. Tiếp đó Nguyễn Văn Tường yêu cầu điều khoản V của hiệp ước này phải được sửa đổi theo nội dung là đồn lính của công sứ “phải nằm ở ngoài thành để khỏi làm mất uy danh của triều đình cũng như khỏi gây mối lo sợ cho dân chúng” [16, 65].

Việc xử lí chiếc ấn do Trung Hoa cấp cũng rất gay cấn. Patenôtre muốn đưa về Paris, Nguyễn Văn Tường không chấp nhận, ông đã trả lời rất khẳng khái: “Vậy các ông muốn các sĩ phu cho tôi uống thuốc độc hay sao?”. Cuối cùng chiếc ấn phải nấu chảy thành nước.

Nguyễn Văn Tường cũng tỏ ra rất cứng rắn trong việc giằng co vụ án hoàng thân Gia Hưng, người mà ông Rheinart có ý định đưa lên làm vua. Việc bắt giữ ông hoàng Gia Hưng bị phản đối quyết liệt của Le Maire, nhưng Nguyễn Văn Tường đã tuyên bố: “Ông hoàng phải được tòa án An Nam xét xử về những hành vi về đời tư” [16, 67]. Sau đợt này, không những ông hoàng Gia Hưng mà các tay chân cũng bị loại bỏ.

Qua những hành động trên cho thấy tính quyết đoán và độc lập của Nguyễn Văn Tường. Ông đã phối hợp sát cánh với Tôn Thất Thuyết để xây dựng lực lượng kháng chiến lâu dài. Thực chất đây là tư tưởng kháng chiến từ trước nhưng đến khi Tự Đức mất mới có điều kiện cho phe chủ chiến phát triển trong toàn quốc.

Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết đã lôi kéo Viện Cơ mật thỏa thuận với hai vấn đề quyết định: “Ra một mật lệnh cho các sĩ phu định rõ ngày tàn sát cùng một lúc tất cả các giáo dân trong toàn quốc; sau khi loại kẻ tiếp tay cho quân xâm lược sẽ chuyển triều đình và chính phủ đến một pháo đài kiên cố và đến các vùng hiểm trở bất khả xâm phạm, đó chính là Cam Lộ hay đúng ra là Tân Sở, và đó là trung tâm liên kết các lực lượng ái quốc, là nơi triều đình sẽ tạm dừng chân” [16, 54].

Tuy nhiên, đối với việc sát đạo tuy đã chuẩn bị kỹ càng nhưng Nguyễn Văn Tường sợ nếu tiến hành việc sát đạo sẽ bất lợi khi chưa chuẩn bị chu đáo cho một cuộc đương đầu. Vì thế, các mật lệnh ban ra đã phải rút lại, song một số nơi không nhận được lệnh đã gây nên những cuộc thảm sát đẫm máu.

Việc xây dựng các công sự phòng thủ cũng được tiến hành ở Thành nội, Vạn Xuân, Quốc tử giám, các sơn phòng ở Quảng Nam, Quảng Trị, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa..., nhất là hệ thống sơn phòng Tân Sở - Quảng Trị.

Thành Tân Sở thuộc Cam Lộ ngày nay, nguyên là nơi được phái chủ chiến chọn làm kinh đô trong trường hợp Huế bị chiếm đóng.

Tân Sở được xúc tiến xây dựng từ năm 1883 và hoàn thành vào đầu năm 1885. Nguyễn Văn Tường chính là “kiến trúc sư” thiết kế và chỉ đạo xây dựng. Để xây dựng Tân Sở, đã phải huy động rất nhiều sức người sức của cũng như việc bí mật vận chuyển lương thực, vũ khí, vật liệu từ khắp nơi về đây. “Xây dựng trên một diện tích rộng 23 ha, dài 548 mét, rộng 418 mét, xung quanh có 3 lớp thành đất, phía ngoài trồng tre gai, phía trong có hào sâu. Trong thành có nhiều trại lính, kho lương thực và kho chứa vũ khí, có cột cờ, nền súng và giếng nước. Ngoài thành cũng xây nhiều đồn lũy chiến đấu với nhiều kho súng đạn, các bãi tập, bãi chiến đấu của voi ngựa. Hệ thống thành lũy dinh trại này làm vật cản có chiều sâu nhằm bảo vệ cho thành nội ở bên trong” [5, 126].

Có thể nói, Tân Sở là một kinh thành thu nhỏ được Nguyễn VănTường vận dụng tất cả các hiểu biết về quân sự cũng như am hiểu về vùng đất mà ngày trước ông đã có nhiều thời gian làm việc ở đây.

Tuy nhiên, sau này khi lực lượng kháng chiến tới Tân Sở thì “thủ đô phù du" [74, 224] này không được sử dụng như sự mong đợi. Điều đó một phần cũng do “sự chuyển hướng chiến lược của phái chủ chiến” [66, 119].

Để hạn chế sức mạnh của quân viễn chinh Pháp, Nguyễn Văn Tường đã không ngừng ra các chỉ thị cho các quan chức ở Bắc kỳ để cấm họ không được tiếp tay cho quân viễn chinh, tuyển lính tập cũng như phu phen mà đạo quân này cần thiết.

Những động tĩnh của phe chủ chiến bị quân Pháp theo dõi rất kỹ và thông báo khá rõ. Puginier đã viết: “Đã thật rõ ràng là đang diễn ra một âm mưu quan trọng được ban ra từ cấp trên với một mạng lưới hành động đông và rộng, có thể bùng nổ trong thời gian rất ngắn sắp tới. Tốt hơn hết là hãy để mắt coi chừng triều đình Huế và theo sát các hoạt động của họ từng ngày” [16, 66]. Một phóng sự từ Hải Phòng ngày 26 / 3 / 1885 của tờ báo “Thời đại” đã viết: “Nhiều dư luận bí mật được biết tư Huế làm ta có thể tiên đoán một cuộc nổi dậy của người An Nam có thể xảy ra trong tháng tư... Đúng là chúng tôi vẫn làm trò cười cho dân tộc này” [16, 68].

Không chỉ ở Việt Nam mà hai ông phụ chính còn vươn tay đến tận Cao Miên nhằm lôi kéo sự chú ý của quân pháp ra bên ngoài: “Một cuộc điều tra do sự chỉ đạo của ông Thomson ở Sài Gòn chứng minh rằng những rối loạn ở Cao Miên là do hai ông phụ chính xúi giục ngầm bọn ấy gây rối” [16, 64]. Và đến lúc này bọn Pháp mới thực sự thấy tiếc, “tại sao ngày trước không thanh toán Nguyễn Văn Tường mà lại nhu nhược đến khôi hài trước một vị phụ chính tham lam và xảo quyệt mà ngay buổi đầu chỉ cần một tên cai và 4 lính cũng đủ để loại bỏ cho chúng ta. Một cuộc đảo chính như thế cách đây một năm khả dĩ có thể thực hiện được, rồi đây sẽ thành khó khăn, trong khi đó thì chúng ta đã dung túng sự phản đối và sẵn sàng nổi dậy” [16, 70].

Vậy là quân Pháp đã thấy rõ sự nguy hiểm của Nguyễn Văn Tường cũng như phe chủ chiến. Tướng de Courcy đến Việt Nam là để giải quyết mối lo ngại đó.

2.4.3. Nguyễn Văn Tường và vụ biến Kinh thành Huế 5 / 7 / 1885

De Courcy đến Việt Nam với mục đích dứt khoát và rõ ràng: “Ổn định Bắc Kỳ và ngăn chặn triều đình Huế đừng kích động và nuôi dưỡng các vụ bạo lực nào khác nữa” [16, 72]. Ngày 2 / 7, De Courcy đến Huế với 4 đại đội bộ binh, 2 tàu chiến với tuyên bố: “Giải quyết vấn đề này tại Huế”, “Tôi mang trong lòng những mối căm hờn đối với các vị phụ chính. Tôi sẽ hành động khẩn trương và cương quyết”. Tướng Brière de L’Ilste thì cho rằng: “Tôi lại luôn nghĩ rằng cái cách duy nhất để giải quyết hiện tình là phải bắt cả hai người quan phụ chính” [39, 65]. Gosselin từng viết: “Cái điều làm cho bọn thực dân hậm hực nhất là Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường nắm cả Bộ Binh và Bộ Lại. Pháp nhất quyết rằng lần này phải nắm vững toàn bộ Hội đồng phụ chính, tẩy trừ Thuyết, Tường ra khỏi hội đồng này” [dt., 39, 65].

Vừa đến Huế, De Courcy đã đòi mời các đại thần Cơ mật đến Tòa Khâm sứ để trao đổi hiệp ước Giáp thân cũng như xác định dứt khoát ngày làm lễ ra mắt vua để trao quốc thư của chính phủ Pháp. Tôn Thất Thuyết cáo bệnh không sang vì “ông Thuyết đã biết trước do sự tiết lộ sơ hở của một vệ quan tùy tùng đi theo tướng de Courcy” [16, 73]. Vì thế việc thương thuyết với De Courcy do Nguyễn Văn Tường [và Phạm Thận Duật – bt.] đảm nhận.

Cuộc thương thuyết về nghi lễ triều kiến vua Hàm Nghi rất căng thẳng vì những yêu sách của De Courcy. “Ông De Courcy phải khó khăn lắm mới được chấp thuận cho đi vào cửa giữa của Hoàng cung với đoàn hộ tống vũ trang, nhưng Viện Cơ mật không muốn ông đi quá cột thứ hai bên phải. Ông thiếu tướng yêu cầu nhà vua phải đến trước mặt ông để nhận hiệp ước từ tay ông trước khi ngồi lên ngai” [16, 73]. Thế giằng co, cãi vã kéo dài, De Courcy đã đơn phương cắt đứt cuộc thương thuyết, đòi chờ khi nào Tôn Thất Thuyết lành bệnh mới hội kiến.

Tuy nhiên Nguyễn Văn Tường vẫn chủ trương thương thuyết để hạn chế sự đụng độ. “Phụ chính thứ nhất Tường phàn nàn với de Courcy về sự tự do quá đáng và thái độ không tốt của lính Pháp. Ông De Courcy đã cấm lính Pháp không được đi vào trong Thành nội” [16, 73]. Qua tiếp xúc, Nguyễn Văn Tường đã thấy rõ âm mưu hành động của de Courcy, nên đã báo với Tôn Thất Thuyết.

“Quan quận đáo đến bộ đường
Nói cùng quan tướng tỏ tường mấy câu
Bách quan văn võ đến lầu
Rằng nghe tây nói mấy câu rõ ràng
Tiền đồng xin ba ngàn quan
Còn bạc với vàng vô số kỳ đa
Ba ngày thì phải đem qua
Không thì hai mươi bốn đáo gia bắt ngàì
Đêm khuya vắng vẻ không ai
Tôi nói với ngài chẳng để làm chi”
[31, 71].

Tình thế cấp bách,Tôn Thất Thuyết quyết định hành động mà không báo cho Nguyễn Văn Tường biết. Những chuẩn bị mấy ngày qua, Nguyễn Văn Tường có để ý nhưng cho rằng “đó cũng là thanh thế phòng bị vậy" [61, 220] mà ông không biết một cuộc chiến lớn sắp nổ ra.

Vậy tại sao trước một quyết định quan trọng như vậy mà Nguyễn Văn Tường không được cho biết? Điều này thực sự phức tạp, bởi nó liên quan đến quan hệ của hai người. Nhưng ở đây, ai trong chúng ta cũng có thể biết được Tôn Thất Thuyết vốn tính nóng nảy, luôn nghĩ đến chuyện đánh. Tình thế bị thúc ép mấy ngày nay đã buộc ông phải hành động. Hơn nữa Tôn Thất Thuyết lại nắm được toàn bộ binh quyền, có thể một mình xoay trở mà không phải bàn với Nguyễn Văn Tường. Một lí do quan trọng là Tôn Thất Thuyết rất hiểu Nguyễn Văn Tường, nếu bàn đến chuyện đánh lúc này thì rất có thể là Nguyễn Văn Tường không đồng ý. Cố nhiên giữa hai người đã bàn đến chuyện đánh Pháp sau đó sẽ ra Tân Sở tiếp tục kháng chiến, nhưng chưa thống nhất về ngày giờ cụ thể.

Khi đã bố trí, chuẩn bị khá chu đáo, vào đêm 22 / 5 / Ất dậu (4 / 7 / 1885) nhằm thời cơ quân Pháp đang say sưa yến tiệc ở Tòa Khâm sứ. Tôn Thất Thuyết chia quân làm hai đạo đánh thẳng vào Tòa Khâm sứ và đồn Mang cá. Quân Pháp hoàn toàn bất ngờ, chỉ bắn trả cầm chừng để đợi trời sáng. “Đại Nam thực lục” chép: “Nguyễn Văn Tường không biết chi hết... Khi ấy Nguyễn Văn Tường ở Bộ Lại đương ngủ, Binh bộ thự tham tri là bọn Hoàng Hữu Thường nghe súng nổ, tức thì đến gõ cửa báo Văn Tường biết. Tường dậy, sợ nói: nguy rồi, bèn vội vàng gửi tâu xin mở cửa Hiển Nhân và cửa Đại Cung chạy vào tả vu nhưng không biết làm thế nào” [61, 221].

Trời sáng rõ, quân Pháp mới tổ chức phản công. Quân triều đình nhanh chóng thất bại. Nguyễn Văn Tường vào chỗ Tôn Thất Thuyết điều khiển, “nhìn trông biết là thất bại rồi” [61, 221], mới vào xin vua và Tam Cung lên Khiêm lăng tạm thời lánh nạn. Kế hoạch của phe chủ chiến là sẽ đến “kinh đô kháng chiến" Tân Sở nhưng đến đoạn Kim Long, Nguyễn Văn Tường muốn đưa vua và Tam cung lên Khiêm lăng để tiếp tục thương thuyết. Điều này bị Hồ Văn Hiển phản đối kịch liệt. Vì vậy, đoàn xa giá tiếp tục ra Quảng Trị mà Nguyễn Văn Tường thì ở lại Huế. “Thực lục” ghi: “Văn Tường vâng ý chỉ Từ Dụ thái hoàng thái hậu và lưu lại gíảng hòa; tức thì đi tắt vào nhà thờ đạo Kim Long” [61, 221]. Việc này “Hạnh Thục ca” cũng nói:

“Thấy người trước đón lên đường
Gửi rằng: Có Nguyễn Văn Tường chực đây
Phán rằng: Sự đã dường này
Ngươi tua ở lại ngõ rày xử phân
Vâng lời Tường mới lui chân”
[64, 39]

Nhưng cũng chính “Hạnh Thục ca” ghi:

“Kim Long vừa mới tới nơi
Rốn xin dừng lại đạo nay có lòng
Song mà ai khứng tin cùng
Chỉ đường Hồ Hiển thẳng dong giục truyền”
[64, 40].

Điều này giống với “Vè Thất thủ kinh đô”:

“Băng chừng vừa đến nhà Chung
Mới hay ông quận có lòng tà Tây
Xin mời thánh thượng vào đây
Đặng tôi trình trú qua ngày giao chinh
Quan Hữu nghe nói tri tình
Kiếm vàng liền tuốt chỉ danh gian tà”...


Vì thế:

“Quan quận nghe nói thất kinh
Vô nhà chung đạo tránh mình ẩn thân”
[31, 81]

Việc này được chính Nguyễn Văn Tường nói lại trong một lá thư gửi cho chính phủ Pháp năm 1886 ở Tahiti, chỉ khác một điều là Nguyễn Văn Tường khi đã vào nhà thờ Kim Long, sau đó “được phúc thư của quan khâm sứ, nói rằng nên rước hoàng đế và sẽ được hòa hảo, không ngại gì, tức thiểm lên chùa Thiên Mụ thì ngự giá cùng Tam cung đã bị Tôn Thất Thuyết đưa ra tỉnh Quảng Trị” [40, 41 ]. “Đại loạn năm Ất dậu” của một tác giả khuyết danh cũng ghi lại nội dung này nhưng là để ám chỉ rằng Nguyễn Văn Tường làm như thế là để đánh lừa De Courcy mà thôi.

“Ai ngờ kia làm việc bậy quá to
Bỗng chốc dĩ đào vi thượng sách
Toàn nghe nói tưởng Tường kim thạch
Mà nổi cơn giận Thuyết lôi đình”
[80, 478]

Tóm lại là ở đây có hai loại ý kiến: Một là Nguyễn Văn Tường theo khẩu dụ của Từ Dụ ở lại thương thuyết. Ý kiến khác cho rằng ông ở lại như là sự lẩn trốn. Dù sao thì ông cũng ở lại Huế. Điều này thực sự làm cho không biết bao nhiêu thế hệ rát khó nhận diện về ông.

5. Từ sau ngày 5 / 7 /1885: những ngày tháng cuối cùng.

2.5.1. Nguyễn Văn Tường và hai tháng ở Huế (5/7 đến 6/9/1885)


Nguyễn Văn Tường vào nhà thờ Kim Long gặp linh [giám - bt.] mục Caspar[d], nhờ linh [giám - bt.] mục này viết thư trần tình với de Courcy “lại xin giảng hòa” [61, 222]. De Courcy đã chấp nhận đề nghị ấy với điều kiện trong hai tháng phải rước vua và Tam Cung trở về cũng như ổn định tình hình ở Huế.

Vậy phải chăng De Courcy đã mắc lừa Nguyễn Văn Tường? “Dậu tuất niên gian phong hỏa ký sự” viết:

“Khéo làm chước nhiệm mưu sâu
Pháp quan mắc mớp tưởng đâu thiệt tình
Vốn là cái kế hưỡn binh”
[80, 517]

Nghĩa là Pháp đã “mắc mớp”? Thực sự không phải như thế? De Courcy quá biết Nguyễn Văn Tường thuộc nhóm cứng rắn đã từng cản trở quân Pháp và quân Pháp cũng muốn “đập cho tan tành”, song giờ đây trong một cái thế hỗn loạn, Hàm Nghi đã rời kinh thành, lấy ai để thi hành các điều ước đã ký? Sự lúng túng chính trị bộc lộ rõ trong hàng ngũ sĩ quan Pháp. Gosselin đã viết: “Chúng ta gặp rắc rối vô cùng vì cuộc xung đột đổ máu đêm 5 / 7 / 1885 đã biến đổi hoàn toàn thế cục xứ An Nam. Vị vua trẻ tuổi đã rời bỏ kinh thành thì ở Huế không còn có chính phủ, không có chính quyền, không còn có ai có thể thi hành các điều ước liên tiếp mà chúng ta đã ký với nước này” [dt., 67, 214]. Tướng De Courcy thì như reo lên trong cú điện báo về Paris: “Phụ chính Tường đã trong tay chúng tôi” [16, 77]. Như thế, Nguyễn Văn Tường ở lại thực sự là một cơ may vớt vát lúc này cho quân Pháp. De Courcy chấp nhận Nguyễn Văn Tường không phải vì niềm tin mà là để gỡ cái thế bí khi chiếm được kinh đô mà không chiếm được triều đình.

De Courcy vẫn cho Nguyễn Văn Tường giữ chức cũ nhưng bị kiểm soát chặt chẽ bởi một toán lính Pháp do đại úy Schmitz chỉ huy, và sau đó thay bằng phó công sứ Hamelin. Nguyễn Văn Tường đã làm việc trong điều kiện ấy và không ít những việc làm được tiến hành trong sức ép của quân Pháp.

Ngày hôm sau, 6 / 7 / 1885, De Courcy và Nguyễn Văn Tường đã hội đồng yết thị cho hai nước vẫn hòa hảo như cũ nhằm “lên án Tôn Thất Thuyết và kêu gọi lực lượng kháng chiến đưa vua Hàm Nghi về tiếp tục trị vì dưới sự bảo hộ của nước Pháp như trước” [15, 106]. Việc này người Pháp đã ghi nhận: “có ông Tường ký tên phó thự để làm nao núng sự tấn công của ông Thuyết, mời vua và hoàng hậu trở về hoàng cung” [16, 77].

Tiếp đó, dưới áp lực của quân Pháp, Nguyễn Văn Tường tiếp tục ra thông báo rất bất lợi, “cho phép một thời hạn 12 ngày để cho những người đi theo Tôn Thất Thuyết trở về đầu hàng. Và một tuyên bố giải tán các đội quân chính quy của An Nam, và bắt phải hạ vũ khí ở các thị trấn của các tỉnh và được đưa về Huế dưới sự điều khiển và trách nhiệm của những người quan chức tỉnh” [16, 77].

Việc người Pháp chiếm kinh thành đã gây nên một sự xáo trộn rất lớn, nhân dân nhốn nháo, ngờ sợ và mất phương hướng. “Riêng một hạt phủ Thừa Thiên vì có Văn Tường ở đó giảng hòa và hay hiệu lệnh ngăn cấm, hơi nhờ được yên, còn dư các hạt Nam, Bắc thì bọn côn đồ tụ họp cướp bóc nổi lên, lương – giáo ngày thường thù nhau, sinh ra tàn sát lẫn nhau, nơi nào cũng có. Đô thống Pháp lại yêu cầu Văn Tường chiêu tập quan lại thôi bắt binh dân hiểu báo cho lương giáo Nam, Bắc cùng yên và cấm xảy ra trộm cướp, hạn đến tháng 2 [2 tháng - bt.] là thanh thiếp” [61, 223].

Một việc quan trọng đối với Nguyễn Văn Tường là phải tìm cách đưa Tam cung và Hàm Nghi về lại Huế theo yêu cầu của Pháp. Ngay khi vua vừa ra đến Quảng Trị, Nguyễn Văn Tường đã cử Phạm Hữu Dụng thân hành ra xin rước vua về nhưng bị Tôn Thất Thuyết ngăn lại, không gặp được vua. “Trước mặt vua Hàm Nghi, Tôn Thất Thuyết sai một gia nhân về Huế để đốt nhà riêng của Nguyễn Văn Tường, ở trong kinh thành, gần cửa Đông Ba. Nhà này bị đốt ngày 24 / 7 /1885” [27, 350]. Việc nhà riêng của Nguyễn Văn Tường bị đốt có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng khi chúng ta không tìm được mối liên hệ của Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường thì việc đốt nhà theo chúng tôi là để cảnh cáo mhiều hơn là che giấu hay củng cố sự “phản trắc” (!). [Thật ra, ngôi nhà của Nguyễn Văn Tường bị đốt phá bởi bọn Pháp và bọn tả đạo trong Thiên Chúa giáo vốn rất thù hận ông, rồi chính chúng tung tin là do Tôn Thất Thuyết sai người về đốt, để li gián hai vị phụ chính, đang phân công cho nhau là "người đàm, kẻ đánh" - bt.].

Sau khi được tin báo của Trương Quang Đản, Nguyễn Văn Tường đã viết thư ngay cho Tam Cung mời Tam cung về Huế cho yên lòng dân, thư có đoạn: “Nhưng thần cũng không tưởng rằng Tôn Thất Thuyết lại lừa dối thần như thế, đến Tam cung tuối già nhà vua còn trẻ, lăn lộn gió bụi chịu làm sao nổi. Huống chi kinh thành miếu điện, lịch đại sơn lăng một buổi bỏ đi như không, lòng thần tử chịu sao được sự chua xót ấy, nên thần phải tuân theo sắc văn đem thân lăn lộn ở đây cùng với quan Pháp đi lại vì bản tâm của thần nguyện cùng với xã tắc mất còn... Cứ theo lời phúc thư thì đô thống đại thần rất mong rước vua về, cũng mong giữ gìn cung điện như cũ... Cúi xin mệnh giá hồi loan để yên lòng dân” [61, 224]. Và đề nghị ấy được Tam cung chấp nhận. Nguyễn Văn Tường phối hợp với Trương Quang Đản đưa Tam Cung trở lại Huế. Thực chất Tam cung và một số quan lại tùy tùng không muốn lên Tân Sở để tiếp tục kháng chiến. Vì thế Tôn Thất Thuyết đã để cho những người này trở lại, còn mình và các phụ tá đắc lực thì đưa Hàm Nghi lên Tân Sở.

Để đưa Hàm Nghi về lại Huế, Nguyễn Văn Tường đã tiếp thêm quân cho Trương Quang Đản đuổi theo đến tận biên giới Việt - Lào. Ngày nhâm ngọ, [20-6 Ất dậu, Hàm Nghi nguyên niên - bt.] (31 / 7 / 1885), gặp được ở sách Bờ Cạn nhưng không dám bắn súng, vì thế bị quân của Trần Xuân Soạn và Phạm Thận Duật đẩy lui. Trương Quang Đản lại xin thêm các nhân vật: Nguyễn Thành Ý, Tôn Thất Phan, Võ Khoa sung làm khâm sai, chia ra các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa hợp cùng quân với nhiều của nhiều phái [viên - bt.] chia đường dò đón để rước xe vua trở về [61, 234].

Tuy nhiên những hành động đó đều bất lực, không có kết quả mà lúc ấy phong trào Cần vương lại nổi lên khắp nơi theo lời kêu gọi Cần vương. Điều đó gây cho người Pháp nhiều khó khăn. Vì thế, chúng đã đi đến một giải pháp mới. Một mặt tung tin Vua Hàm Nghi đã chết, một mặt tìm người thay thế. Thông qua vài sự hội ý, một giải pháp sớm được nhất trí là đưa Chánh Mông (Đồng Khánh) lên ngôi. Điều đó ngẫu nhiên loại bỏ vai trò của Nguyễn Văn Tường hay đúng hơn là De Courcy đã không cần đến Nguyễn Văn Tường và hắn đã bắt Nguyễn Văn Tường đi đày vào ngày 6 / 9 / 1885. Một sự kết thúc trên chính trường mà có lẽ khi ở lại Huế ông không nghĩ đến, bởi chỉ một niềm tin vào sự thương thuyết.

Như vậy là trước áp lực của người pháp, Nguyễn Văn Tường đã phải thi hành những biện pháp để đưa Tam cung trở về, ổn định tình hình sau vụ biến. Duy việc đưa Hàm Nghi trở lại là không thành. Dù muốn hay không thì những hành động đó đã gây nhiều bất lợi cho phái chủ chiến và làm phân hóa nhân tâm một cách đáng kể, nhất là khi việc chuẩn bị cho cuộc kháng Pháp đã rộng khắp trong toàn quốc.

2.5.2. Những ngày tháng cuối đời (5 / 9 / 1885 – 30 / 7 / 1886)

Ngày 6 / 9 / 1885, đúng sau hai tháng trở lại Huế, Nguyễn Văn Tường bị bắt lên tàu vào Gia Định, sau đó đày ra Côn đảo rồi đày sang Tahiti cùng với hai nhân vật kháng chiến là Tôn Thất Đính và Phạm Thận Duật.

Theo de Mariaux thì ba vị quan lớn này được chở ra Côn đảo bằng tuần dương hạm Clocheterie kèm theo một bức mật hàm [De Courcy - bt.] gửi cho chúa đảo Caffort với lời dặn: “Tầm quan trọng chính trị của những tù nhân này đòi hỏi họ phải được giám sát hết sức nghiêm ngặt với bất cứ giá nào” [82, 85]. Còn De Champeaux thì khẳng định: “Văn Tường đã chống cự nước ấy nhiều năm; từ khi cùng Tôn Thất Thuyết sung làm phụ chính, chỉn [= vẫn - bt.] lại đồng suất quan quân nổi dậy công kích quan binh nước ấy, và Văn Tường do đô thống ấy xin [chính phủ Pháp – bt.] cho 2 tháng để lo liệu việc nước cùng Bắc Kì đều được lặng yên vô sự. Đến ngày 27 tháng ấy hết hạn mà các tỉnh tả kì về phía Nam có nhiều nơi nổi quân chém giết dân giáo. Đến đây đô thống định án, ưng kết tội lưu” [61, 247].

Như vậy là “tội trạng” của Nguyễn Văn Tường đã được thực dân Pháp vạch rõ. Chúng biết rất rõ con người cũng như động cơ ở lại của Nguyễn Văn Tường, trong hoàn cảnh bị kiểm soát vẫn cố sức chống Pháp. Puginier đã từng viết: “Hàm Nghi đi theo Thuyết, còn phụ chánh Tường ở lại, vẫn giữ nguyên chức tước, và sau một thời gian trá hàng lại tiếp tục có những hành động đối kháng. Chính theo lệnh của y mà khoảng 30.000 giáo dân đã bị hại trong vòng 2 tháng và hơn 1.000 người khác cũng chịu chung số phận do các quan lại thi hành lệnh trên” [25, 14]. Nhưng lí do quan trọng nhất đối với quân Pháp lúc này là lập một chính quyền bù nhìn tận tụy với chính quyền “bảo hộ”, chí ít là không chống đối hoặc có thể gây lo ngại như Nguyễn Văn Tường.

Tới Côn Đảo được 6 tháng, Nguyễn Văn Tường lại được chuyển qua an trí tại Tahiti (tháng 2 / 1886) và ông đã sống những tháng ngày cuối cùng ở đó. Theo một bức thư của Hermel thì Nguyễn Văn Tường “chỉ ở đây 6 tháng; ông qua đây gần như không được biết, không gây tiếng vang, ông chỉ đi dạo mát gần nhà, luôn có 7-8 người tùy tùng bao quanh” [dt., 39, 108]. Đào Trinh Nhất dẫn ra một tư liệu khác: “Vừa đến nơi Tường liền đâm ra khật khùng vơ vẩn, hình như có ý hối hận không muốn trông thấy mặt ai” [44, 57]. Cho dù bị đày, là một tội nhân [của Pháp – bt.], nhưng Nguyễn Văn Tường vẫn luôn được đối xử như một ông hoàng An Nam; “nước Pháp đã rất rộng lượng, đã trợ cấp cho ông một khoản tiền 30.000 franç cho đến khi ông mất” [16, 80]. Có thể nói Nguyễn Văn Tường đã sống những ngày cuối cùng trong nỗi cô đơn của một đại quan xa xứ với bao kỳ vọng còn dang dở. Ông đã chết ở đó vào lúc 04 g 30 ngày 30 / 7 / 1886 do bị bệnh ung thư [? – bt.] ở cổ . “Di hài được đặt trong một cái hòm 4 tấm, quàn tạm thời trong một hầm mộ để chờ người chuyển về Huế, tàu Le Bourayne, thuyền trưởng là Willemsens” [dt., 39, 108]. Tới ngày 9 / 12 / 1886, toàn quyền các cơ sở Pháp ở châu Đại dương đã quyết định cho phép khai quật di hài của Nguyễn Văn Tường để chuyển về Huế. Không có một tư liệu đáng tin cậy nào nói quan tài của Nguyễn Văn Tường được Tôn Thất Đính đưa về mà theo chúng tôi, đây là một nghi lễ mang tính chất quốc gia [? – bt.] đối với một vị quan đầu triều.

Tư liệu đã cho biết tên chiếc tàu và thuyền trưởng đưa quan tài về Huế. Có chăng thì TônThất Đính đã cùng về trong chuyến tàu ấy? Nhưng có một điều có thể tin cậy được, theo lời kể của các hậu duệ Nguyễn Văn Tường thì sau hai năm an táng tại quê hương (làng An Cư), con cháu quyết định khai quật để chuyển qua quan tài khác vì không chấp nhận ông nằm trong quan tài người Pháp, hơn nữa cũng là để nhận mặt, thì thấy cách khâm liệm hoàn toàn theo phong tục Việt Nam. Điều này có thể nghĩ đến việc chính Tôn Thất Đính đã khâm liệm cho Nguyễn Văn Tường.

Đào Trinh Nhất cho rằng “khi quan tài về đến cửa Thuận An, vua Thành Thái nói với các quan rằng: “Nên đem gậy sắt mà đánh lên quan tài đứa phản phúc ấy”” [44, 57], nhưng điều này có thể không phải, vì từ 9 / 12 / 1886 quan tài đã được khai quật để chuyển về Huế trong lúc đó tháng 1 / 1889 vua Thành Thái đã lên ngôi. Việc Thành Thái cho người đánh vào quan tài Nguyễn Văn Tường không được chép trong “Thực lục”, nhưng có một số ý kiến khẳng định là có thật, rất có thể là vào dịp con cháu khai quật như đã nói ở trên.

Lăng Nguyễn Văn Tường được xây ở làng An Cư, từ cuối thế kỷ XIX đến nay về cơ bản vẫn không thay đổi. Nằm chung với khu mộ của làng, nơi ấy là cõi an nghỉ của một con người mà những lời bàn về ông vẫn chưa có hồi kết thúc.

Chương 3

NHẬN DIỆN NGUYỄN VĂN TƯỜNG
TRONG LỊCH SỬ DÂN TỘC THẾ KỶ XIX

3.1. Nguyễn Văn Tường trước ngày 5/7/1885


Quãng đời ở chốn quan trường của Nguyễn Văn Tường kéo dài vừa đủ để chứng kiến bước suy yếu của triều đình nhà Nguyễn cũng như sự bất lực của nó trước cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp xâm lược. Trong bối cảnh đầy biến động và phức tạp ấy, Nguễn Văn Tường là một trong những người có ảnh hưởng và để lại những dấu ấn lớn lao nhất thời bấy giờ.

Từ một cậu học trò mơ hồ về họ mạc [? – bt.] bị truất bỏ kết quả thi, nhưng vẫn dùi mài kinh sử để đến năm 1850 lại trúng cử nhân, bước chân vào chốn quan trường đầy trắc trở. Trải qua nhiều lần thăng, giáng, thưởng, phạt nhưng vua Tự Đức vẫn luôn xem trọng tài năng, trí tuệ và sự am hiểu thời cuộc của Nguyễn Văn Tường, vì thế ông luôn được trọng dụng. Từ một vị quan ở huyện, phủ, qua những lăn lộn nơi chiến trường và chính trường, để đến năm 1883 trở thành phụ chính đại thần làm nghiêng đảo triều đình và là mối lo ngại cho thực dân Pháp.

Trải qua những chức trách, nhiệm vụ, Nguyễn Văn Tường đều để hết tâm sức mong hoàn thành tốt công việc được giao, canh cánh một nỗi lòng yêu nước thương dân. Qua công việc, Nguyễn Văn Tường cũng thể hiện một tài năng ứng xử tuyệt vời trước các vấn đề xã hội, như vấn đê đối xử với nhân dân các dân tộc thiểu số, vùng cao, dân nghèo, đối với tôn giáo, với chiến tranh biên giới, thương thuyết bài trừ giặc Khách cũng như khéo léo lấy lại 4 tỉnh Bắc Kỳ đã bị Pháp xâm chiếm. Mặc dù chính Nguyễn Văn Tường là người thay mặt triều đình Huế ký hiệp ươc 1874 (một hiệp ước gây [ít - bt.]phản ứng nhất của nhân dân trong số các hiệp ước Triều Nguyến kí với Pháp). Thế nhưng chính Nguyễn Văn Tường đã tìm cách “xúi giục” [sic – bt.] Tự Đức điều đình không thi hành hiệp ước hoặc chỉ miễn cưỡng thi hành.

Nhân vật “ảnh hưởng nhất triều đình Huế’’ này [đã cùng Tôn Thất Thuyết - bt.] làm nên sự kiện “tứ nguyệt tam vương”, loại trừ các phần tử chủ hòa để thống nhất lực lượng kháng Pháp trong toàn quốc mà đối với những người xem trọng đạo lý phong kiến thì họ coi đó là hành động “quên lời sách xưa”, “chẳng giữ đạo trung”. Nhưng đó lại là hành động vì dân vì nước đáng được tôn vinh.

Đối với người Pháp, Nguyễn Văn Tường đã thể hiện một thái độ rõ ràng, thể hiện qua sớ tấu và thơ văn của ông.

- “Mọi rợ [= giặc – bt.] là nỗi lo, từ xưa đã có, nhưng chưa mọi rợ nào như người Phú”.

(Tấu 23 / 3 // 1868) [47, 212]

- “Người Phú vô cớ đến đây xâm phạm, lại thi hành nhiều chính sách tàn ngược”.

(Tấu 6 / 8 // 1874 ) [47, 212]

- “Bọn phương Tây tính tham lam, chấp theo điều lợi, ấy là tìm được rồi lại sợ mất đi, thật là khó lấy nghĩa lý, trí thuật làm lay chuyển nó nghe theo”.

(Tấu 8 // 1873) [47, 212]

Từ suy nghĩ đó Nguyễn Văn Tường đi đến lập trường chống Pháp. Chúng ta hãy xem ông nói về nó:

“Người xưa nói rằng, chiến rồi sau đó mới thủ được, thủ rồi sau đó mới có thể hòa được, cũng là cái thế tương đương vậy. Hòa để mưu giữ, giữ để mưu chiến, mới hợp cơ nghi, mà may mắn mới không sai lầm... Cái hòa ngày nay thực là ngược với lời bàn của dân chúng” [dt., 22, 99]

Nguyễn Văn Tường lại trình bày về biện pháp chấn hưng, làm thế nào để giữ đất từ bên trong:

“Đánh là việc đã qua không dám nói lại.

Hòa thì nay có gì để trông cậy...?

Vả, không lo bọn giặc ngang ngược, chỉ lo ta không thể tự cường. Không lo bọn giặc tham tàn, chỉ lo ta không tự giữ. Kinh sư là đất căn bản, đồn lũy đã vững chăng? Chí quân lòng dân đã được khích lệ chăng? Đường thủy đường bộ đã vững khắp chăng? Tỉnh Bình Thuận đương xung yếu, các tỉnh khác cũng có hải phận. Quân lương binh lính làm thế nào cho sinh và đủ, hào mục sĩ dân làm thế nào cho chuyên luyện? Nơi nào hiểm yếu cần phải giữ, phép phòng thủ nào tất vững?”
[47, 212]

Nguyễn Văn Tường không chỉ nói mà ông cũng thường xuyên có những hành động chống đối thực dân Pháp. Ông từng được xem là “kẻ thù lớn nhất” mà qua sự trình bày ở phần trước chúng ta đã thấy rõ :

- Chống Pháp trên mặt trận ngoại giao, quan hệ.

- Chuẩn bị lực lượng để kháng Pháp lâu dài.

[Ông - bt.] không thể tránh khỏi những hiềm khích đương thời, nhưng chúng ta có thể dễ dàng nhất trí rằng cho đến trước ngày 5 / 7 / 1885 Nguyễn Văn Tường là một người tài năng và có lòng yêu nước nhiệt thành sâu sắc. Những đóng góp của ông trong giai đoạn lịch sử này trên các lĩnh vực kinh tế, quân sự, chính trị, nhất là thái độ chống Pháp cần được lịch sử ghi nhận hơn bất cứ một đại quan nào đương thời.

3.2. Nguyễn Văn Tường từ sau ngày kinh đô thất thủ 5 / 7 / 1885 - Ngàn năm công – tội.

Người ta cứ đặt câu hỏi điều kiện: Nếu “đại sự” mà thành công thì lịch sử sẽ như thế nào! Nhưng lịch sử đã diễn ra và Nguyễn Văn Tường đã ở lại Huế sau cái ngày định mệnh đó, và đó chính là cái mốc sự kiện để đánh giá hai quãng thời gian trong cuộc đời Nguyễn Văn Tường.

Nguyễn Văn Tường ở lại theo lời Từ Dũ để thương thuyết hay ông ở lại vì động cơ cá nhân thì đó không phải là mấu chốt của vấn đề, mà cái quan trọng chính là việc làm của ông trong hai tháng ở Huế nhằm mục đích gì? Có lợi và có hại gì cho đất nước, cho dân tộc, cho phong trào kháng chiến của nhân dân hay không?

Xem xét những hoạt động của ông có thể cho thấy rằng sau khi ở lại Nguyễn Văn Tường vẫn nuôi ý định thương thuyết với Pháp, có hoạt động kích động [tác động - bt.] sự nổi dậy của Văn thân chống Pháp, giết đạo [bọn tả đạo trong giáo dân – bt.]. Cố nhiên cũng là để chờ đợi một thời cơ. Từ Quảng Trị dụ của Hàm Nghi gửi về, ủy thác: “Nay đại thần Tôn Thất Thuyết cùng ta quanh quẩn, còn ngươi là phụ chính đại thần thì ở lại mà thương đàm; kẻ ở người đi đều lấy lòng yêu nước lo dân làm căn bản... [Khanh nên – LTC.] cân nhắc kĩ về lợi hại, hết lòng thỏa hiệp, phàm những khoản gì bách thiết, chung nhau bàn đổi... Nếu không như thế thì miếu xã lăng tẩm và các vương công không kịp đi theo ấy thì hết thảy ủy cho khanh” [61, 226]. Và như thế với tư cách là đại thần và những uy tín của mình, trong hai tháng Nguyễn Văn Tường đã làm một số việc mà dụ của vua Hàm Nghi ủy thác: Ổn định tình hình an ninh trật tự ở kinh thành, tổ chức lại triều chính, trông coi tôn miếu, xã tắc, lăng tẩm và Tam cung. Ngày 7 [tháng 6 Ất dậu (1885) -bt.], bản "Dụ các người trong họ" đã ghi nhận những việc làm của Nguyễn Văn Tường: “Nay đã có phụ chính đại thần là Nguyễn khanh ở lại giảng nói, che chở nhiều việc, hơi được yên ổn; huân thần tâm sự như thế, cáng đáng như thế, thực là đau khổ quá chừng... Nhân vật nước ta những người trung nghĩa từ xưa tưởng không hơn được. Trẫm cũng dụ cho đại thần ấy hết lòng bàn tính công việc, tâu chờ quyết định” [61, 227]. Tuy nhiên xét về cơ bản thì những việc làm trên cũng phần nào phù hợp với yêu cầu của chính phủ Pháp thể hiện qua bức điện từ Paris:

- Hoàng đế Đại Nam tại vị như trước.

- Quốc gia Đại Nam lập y như cũ.

- Hoàng thân và công chúa nên tựu về kinh. Bắt Tôn Thất Thuyết nộp cho Hoàng đế Đại Nam [40, 41].

Như vậy, tại sao lại có sự “gặp gỡ” này? Theo chúng tôi, xét về phía người Pháp thì đó là những giải pháp thiết thực nhằm ổn định tình hình, loại bỏ phe chống đối (cụ thể là Tôn Thất Thuyết). Từ đó dễ dàng thiết lập ách đô hộ lên toàn đất nước. Về phía triều đình mà nói, lúc đó vua Hàm Nghi còn nhỏ tuổi chưa qua bước đường bôn tẩu gian truân nên chưa hiểu được ý nghĩa của việc kháng chiến và luôn mong trở lại Huế. Những “căn dặn” với Nguyễn Văn Tường cũng vì mục đích đó. [Thật ra, hai bản dụ đều do Tôn Thất Thuyết cùng vua Hàm Nghi viết; riêng "Dụ gửi Nguyễn Văn Tường" được gửi về cùng một ngày với "Dụ Cần vương" chính thức, duy nhất - bt.]. Vậy là những việc mà Nguyễn Văn Tường đã làm vô tình đã đạt được cùng một lúc ba chủ đích: Đối với vua (lăng tẩm, cung điện, phò Tam cung). Đối với đất nước và nhân dân (ổn định, chống cướp bóc...). Và đó cũng là cái có lợi cho thực dân Pháp.

Trong hoàn cảnh một mình trở lại phải chăng là một sự mạo hiểm “tay không bắt giặc” (!). Để rồi hai tháng bị quản thúc ở Nha Thương bạc với một toán lính Pháp canh chừng cẩn mật, và để “trả dần” những “điều kiện” đã hứa với De Courcy, Nguyễn Văn Tường đã tiến hành một số hành động làm tổn hại đến dân tộc, đến phong trào kháng Pháp của nhân dân. Ngay khi ông quyết định ở lại Huế thì nội bộ đã thể hiện một sự chia rẽ :

“Quan Hầu quan Hữu phân vân
Bách quan văn vũ giá thần không ai
Kéo lên Thiên Mụ chợ Mai
Ngó về cung điện, lâu đài suy vi”
[31, 81]

Sau này sự phân hóa lại càng rõ rệt, lên đến Tân Sở thì lực lượng nòng cốt chỉ còn đếm được trên đầu ngón tay, chính là minh chứng cho lực lượng chủ chiến đã bị dao động khi một vị quan đầu triều có nhiều ảnh hưởng bỗng dưng ở lại Huế. Xét cho cùng thì nhân dân nhìn vào thái độ của triều đình để kháng chiến chứ không phải là nhìn vào Từ Dũ thái hoàng thái hậu. Bởi thế mới có một phong trào yêu nước kháng Pháp tụ lại và xuất hiện như một lực lượng quốc gia. “Sự hiển diện của vua Hàm Nghi và những người đồng đảng quyết liệt trú đóng trên vùng núi Quảng Bình mà cả miền cao của Annam trong nhiều năm là cái nôi của nổi dậy và chống đối lại người Pháp’’ [16, 85]. Y .Tsuboi đã nhận định: “Một sự trớ trêu hay là chân lí lịch sử?” [71, 353]. Vậy thì ở đây giữa thái hoàng thái hậu và vua Hàm Nghi, thần dân đã biết chọn ai để đi theo, vì mục đích dân tộc (!). Nguyễn Văn Tường cũng vì mục đích dân tộc nhưng ông đã đi tìm một giải pháp khác, đó là thương thuyết, vì đây là cái lợi thế của ông. Nhưng ông sẽ dựa vào đâu để thực hiện mục đích đó? Để rồi de Courcy đã lợi dụng ông mà thi hành mục tiêu bình định. Không thể nói là thành công nhưng những hành vi hợp tác với Pháp của Nguyễn Văn Tường là không thể bào chữa được.

Vậy thì tại sao Nguyễn Văn Tường vẫn bị đi đày? Ông là kẻ bán nước, làm tay sai cho Pháp hay ông là người chủ chiến? Các tác giả Trần Viết Ngạc, Võ Xuân Đàn lấy sự kiện Nguyễn Văn Tường bị đày chung với Phạm Thận Duật, Tôn Thất Đính - đều là những nhân vật kháng chiến - để chứng minh Nguyễn Văn Tường thuộc phe kháng chiến. Tuy nhiên chúng tôi nhận thấy, như thế vẫn chưa thỏa đáng và thuyết phục bởi trong một chuyến tàu chở tội nhân người ta không phân biệt là tù chính trị, trộm cắp, giết người hay chống Pháp. Người Pháp cũng đã mâu thuẫn trong nhận thức về phụ chính Nguyễn Văn Tường: “Một sự mâu thuẫn sâu xa chia rẽ tướng De Courcy và ông De Champeaux, nhất là đối với vấn đề ông phụ chánh Tường. Vị tướng thì quả quyết là ông Tường luôn luôn liên lạc với ông Thuyết và lại nhúng tay vào mọi cuộc âm mưu lật đổ... Ông De Champeaux lại cho rằng ảnh hưởng của ông Tường là rất lớn và cần thiết cho sự thiết lập nền bảo hộ và cố gắng bằng mọi cách để giữ ông ở lại Huế” [16, 80]. Xem qua hai ý kiến trên tưởng là mâu thuẫn nhưng xét kĩ thì hoàn toàn phù hợp với tâm địa thục dân, đó là De Champeaux muốn lợi dụng uy tín của Nguyễn Văn Tường để thực hiện âm mưu chính trị, tất nhiên là trong sự kìm kẹp như thời gian hai tháng đã qua; còn De Courcy chuyên trách về quân sự, ông phải lo đến một nhân vật mà chí ít cũng từng chống Pháp trong những năm qua và bấy giờ hãy còn để lại những nghi ngại.

Ở đây cũng phải nói thêm rằng, hai tháng ở lại Huế Nguyễn Văn Tường không màng danh lợi, ông không được cái gì ngoài việc bị đày và chết ở xứ người. Vậy thì nên kết lại bản chất vấn đề này là gì? Cứ như cách suy luận thông thường thì khó đánh giá khách quan, bởi đánh giá một nhân vật nhiều lúc còn đòi hỏi một sự nhạy cảm ngoài những tài liệu có được. Nếu chúng ta nghiêng về công hoặc tội thì e rằng hơi vội vàng, thiếu khách quan, khoa học. “Phải chăng chúng ta nên nhìn nhận hành động của Nguyễn Văn Tường sau sự biến kinh thành Huế là biểu hiện của sự mơ hồ và bế tắc trong đường hướng giữ nước của giai cấp phong kiến Việt Nam nửa sau thế kỉ XIX?” [65, 108]. Và lựa chọn giải pháp thương thuyết hòng mong làm nên đại sự trong lúc không có một cơ sở một chỗ dựa [quân sự? - bt.] là một sự ấu trĩ và sai lầm.





C. PHẦN KẾT LUẬN

Tìm hiểu, đánh giá một nhân vật lịch sử là việc làm không đơn giản. Bởi tìm hiểu một nhân vật thực chất chúng ta đang tìm hiểu một giai đoạn lịch sử mà nhân vật ấy sống và hoạt động. Đúng như Mác từng viết: “Trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hòa những quan hệ xã hội” [70, 52]. Vì thế, nghiên cứu, đánh giá Nguyễn Văn Tường cũng phải đặt trong bối cảnh lịch sử nửa cuối thế kỉ XIX.

Nguyễn Văn Tường làm quan trong thời kỳ “mấu chốt” của cuộc chiến tranh chống thực đân Pháp xâm lược. Vì thế, chốn quan trường của ông dù muốn hay không cũng phải gắn liền với các vấn đề của dân tộc, nhất là khi ông trở thành “người hùng" trên mặt trận ngoại giao sau thành công của cuộc thương thuyết thu hồi bốn tỉnh Bắc Kỳ năm 1873 [và đầu năm 1874 - bt.].

Qua sự trình bày trong luận văn, trên cơ sở những tài liệu có được, chúng tôi đã lần lượt giới thiệu theo tiến trình thời gian, những giai đoạn, thời kỳ, những đóng góp, cái được và chưa được trong cuộc đời Nguyễn Văn Tường đối với dân tộc. Ở đây, chúng tôi chỉ muốn chốt lại những cái chủ yếu trong con người Nguyễn Văn Tường:

Nguyễn Văn Tường là người tài năng, tận tụy với vua. Những nhiệm vụ, công việc được giao ông đều nỗ lực hết mình. Chính vì thế mà vua Tự Đức luôn tin dùng ông vào các công việc quan trọng.

Từ những nhận thức đúng đắn về quân Pháp xâm lược, Nguyễn Văn Tường đã đua ra những giải pháp nhằm chấn hưng đất nước từ bên trong rất thiết thực, cụ thể, như tích trữ binh lương, tự cường, tự giữ... Bản thân những hành động chống Pháp của ông trên tất cả những lĩnh vực: chính trị, quân sự, ngoại giao, đủ minh chứng cho ông ngay từ những tiếp xúc đầu tiên đã đứng về lập trường của phái chủ chiến.

Trong công việc hàng ngày Nguyễn Văn Tường là người thanh liêm cương trực. Tài liệu còn ghi lại trong thời gian làm quan dưới thời Tự Đức, Nguyễn Văn Tường không tiến cử một người nào. Tự Đức dụ “Nguyễn Văn Tường từ trước đến giờ chưa cử người nào, ý hắn còn cẩn thận việc cử chăng?” [60, 221].

Mùa [đông tháng 11 Ất hợi, TĐ. 28 - bt.] (1875), vua cấp thêm cho tham biện Thương bạc Nguyễn Hữu Độ 200 quan tiền, khi ấy Nguyễn Văn Tường tâu nói: “Thần sung làm việc ở Viện Bạc, ngoài số tiền lương thường, hàng năm được thêm tiền bổng 600 quan (Viện thêm 300 quan, Thương Bạc thêm 300 quan). Hữu Độ chưa dự hàng đại thần nhưng việc công cùng giúp đỡ lẫn nhau, đều có san sẻ khó nhọc. Thần xin vâng lãnh tiền viện 300 quan, còn tiền bổng 300 quan Thương Bạc thêm cho, xin chờ chỉ chuẩn cho chia cấp cho Tham Biện Hữu Độ” [58, 258]. Vua không nghe.

Nguyễn Văn Tường là người dám đấu tranh, nói thẳng và sự thật, sớ ngày 27 / 10 / 1874 là một ví dụ:

“Kính từ khi hoàng thượng nối tiếp cơ đồ lớn lao, vỗ yên vận sáng, tuy trì doanh bảo thái, chưa từng không lấy sự gắng gỏi làm lo toan, nhưng quá nửa ngày thì trời xế, ngược với sáng là tối là lẽ tuần hoàn xưa nay thay đổi, cho nên trong thì biến loạn anh em, ngoài thì cái họa của mọi rợ [Tây dương – bt.], Nam kỳ đất cũ thì trầm luân, Bắc kì thì giặc cướp [chủ yếu là “giặc Cờ” –bt.] liền năm” [73, 39].

Ông chỉ trích từ thực trạng quan lại :

“Kẻ gặp việc thì lo khéo tránh, ở quan mà vui việc riêng, đã được trích ra trừng trị răn dạy để sửa chữa cũng ít vậy, thậm chí có kẻ tùy việc đòi hối lộ, như là chợ búa, thế mà lại không biết liêm sỉ. Than ôi lòng người sao một phen đến thế!” [75, 39].

Nguyễn Văn Tường tỏ ra sâu sắc trong nhận xét về một số quan đương thời: Phạm Phú Thứ, Phạm Đình Bình,Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Tri Phương... Nhận xét nhưng ông rất cẩn trọng: “Việc nghe thấy không phải là bằng cớ xác đáng. Con người tùy môi trường mà đổi tiết, tùy chỗ dùng mà thấy sở trường, thực khó phẩm bình” [47, 215].

Đánh giá về Nguyễn Văn Tường, trước tiên chúng ta hãy xem những người đương thời có dịp làm việc với ông nhận xét:

Phạm Phú Thứ đánh giá: “Giang sơn xuất vĩ nhân”. Còn Tôn Thất Thuyết từng có lời khen “Bậc nho tướng, đại trí, thông tuệ, thao lược” [18, 114].

Vua Tự Đức đã nhiều lần khen ngợi Nguyễn Văn Tường về tài ứng đối, thương thuyết. Mùa [đông, Giáp tuất, TĐ. 27 - bt.] (1874), Tự Đức đánh giá: “Chỉ Nguyễn Văn Tường làm việc ấy (Nha Thương bạc) từ trước đến nay vốn đã am hiểu thông thạo, đã không lãnh chức Thương chính cũng lãnh chức Thương bạc để việc giao thiệp nước ngoài được phát triển mưu mô" [57, 358].

Tự Đức từng khen: Và ban tặng hai câu “Nhân thần ngộ thánh [? – bt.] thời, Nam lục tỉnh công cán, Bắc lục tỉnh công cán”, “Thiên tử mậu tước thưởng, tiền tam đại vinh quang, hậu tam đại vinh quang”.

(Nghĩa là: Bề tôi có đức nhân gặp được thánh Thiên Tử nên đã ra tài công cán hết 6 tỉnh Nam kỳ đến 6 tỉnh Bắc kỳ. Vua ban thưởng tước lộc cho cả ba đời trước và ba đời sau, hết sức vinh quang).

Những nhận xét đánh giá về Nguyễn Văn Tường từ trước đến nay như chúng tôi đã nêu ở phần mở đầu bất luận là đúng hay sai, khoa học hay phản khoa học, chúng tôi không dám mạo muội bàn luận. Thiết nghĩ, lịch sử luôn công bằng, vì thế, những ý kiến xác đáng sẽ mãi mãi có giá trị. Ngược lại, ý kiến sẽ bị đào thải nếu nó không đúng với sự thật của lịch sử đã diễn ra. Ở đây cũng xin được nói thêm rằng, những ý kiến đánh giá thường bị “đổ dồn” vào giai đoạn sau, như thế là không thấy được tính biện chứng và thiếu khách quan. Chúng ta thử lấy ví dụ về những hành động “tứ nguyệt tam vương”, việc chuẩn bị lực lượng kháng Pháp... Trước vụ biến kinh thành Huế 5 / 7 / 1885 rõ ràng là hành động vì dân vì nước, nhưng công lao lại thường được quy về cho Tôn Thất Thuyết nhiều hơn là Nguyễn Văn Tường chỉ vì một sai lầm sau ngày 5 / 7 ấy. Dù khen hay chê thì chúng ta vẫn thấy một cái gì đó không thỏa đáng và đó là những điều mà con người cần phải suy ngẫm! Nó cũng hữu dụng cho sự hiểu biết cần có của mỗi con người.

Nguyễn Văn Tường tự biết về mình. Những cái mà ông làm được, những cái chưa làm được và cả những sai lầm cuối đời để lại những lời thị phi bàn luận. Nhưng ông không tự biện bạch cho mình, mà lại phó mặc cho đời luận bàn công tội. Những ngày cuối cùng trên đảo Tahiti ông đã viết những câu thơ thể hiện một nỗi niềm riêng mà chung ấy.

“Tam thập niên lai phí kỷ kinh
Vô đoan dạ bán bách sầu sinh
Kỳ khai [- bt.] tam sắc phong lôi biến
Già thính [- bt.] song xuy kê khuyển kinh
Sơn kính vạn trùng [- bt.] thương thúy liễn [- bt.]
Thần tâm nhất dạng luyến đơn đình
Thị phi nhiên phó thiên thu hậu
Xã tắc quân vương thục trọng khinh”.


Tạm dịch :

“Ba chục năm thừa [trải - bt.] mấy phen
Mối sầu vô cớ gợi thâu đêm
Chó gà khiếp sợ kèn Tây thổi
Sấm sét vang lừng, cờ Pháp lên
Đường núi muôn trùng thương bóng chúa
Lòng tôi một dạng [- bt.] luyến đơn đình
Đúng sai phó mặc ngàn thu xét
Vua - nước bên mình nặng nhẹ hơn”
[83].

Đã hơn một trăm năm, người đời sau “phán xét” về Nguyễn Văn Tường và có lẽ bao nhiêu năm sau nữa người đời còn luận bàn công - tội.









NIÊN BIỂU NGUYỄN VĂN TƯỜNG

Nguyễn văn Tường sinh ngày 22 / 8 / Giáp thân (14-10-1824) tại làng An Cư, xã Triệu Phước, Triệu Phong, Quảng Trị.

Năm 1842 (Thiệu Trị năm thứ 2), thi trúng tú tài trường Thừa Thiên, nhưng vì lấy tên là Nguyễn Phúc Tường nên bị vua Thiệu Trị xóa tên trong danh sách trúng cử, Nguyễn Văn Tường bị tội đồ 1 năm.

Năm 1850, được chuẩn cho di thi lại, Nguyễn Văn Tường đậu cử nhân khoa Canh tuất; bắt đầu bước chân vào chốn quan trường.

+ Làm huấn đạo (chức học quan) huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi.

+ Làm tri huyện Thành hóa (Cam Lộ, Hướng hóa, Đăkrông ngày nay). Có công trong việc chiêu tập những người dân tộc thiểu số, dân lưu tán trở về làm ăn, xin nộp thuế lệ. Vùng đất Thành Hóa ngày càng được mở mang, dân cư đông đúc, an ninh được đảm bảo, nông nghiệp thủy lợi được phát triển.

Năm 1858, được phong tán lý Bộ Binh.

Năm 1861, làm án sát tỉnh Quảng Nam

Năm 1863, tán lý Bộ Binh kiêm dinh điền sứ 2 tỉnh Thừa Thiên và Quảng Trị.

Đầu năm 1864, thăng phủ doãn phủ Thừa Thiên (viên quan đứng đầu bộ máy cai quản khu vực [kinh đô, gồm cả đạo Quảng Trị - bt.]).

+ Tháng 7 / 1864 [tháng 6 Giáp tí, TĐ. 17 - bt.], phủ doãn phủ Thừa Thiên kiêm chức khuyến nông sứ.

+ Đi thăm xét tình hình nhân dân ở huyện Thành hóa, xếp đặt công việc ở Trấn Lao, phụ trách nạo vét kênh Vĩnh Định.

Năm 1865, dâng sớ tâu vua 4 việc nhằm cứu đói cho dân chúng:

+ Xin cấp cho dân ở ven núi

+ Xin cấp cho dân đánh cá ở ven biển

+ Xin trả lại ruộng cầm cố cho dân cày cấy

+ Xin dời huyện lỵ Hương thủy đến chỗ thuận tiện

Được thưởng vì phát hiện vụ nổi dậy của công tử Hồng Tập.

Năm 1866, tháng 8 [Bính dần, TĐ. 19 - bt.], bị cách chức do không kiểm soát để Đoàn Hữu Trưng khởi nghĩa ở kinh thành Huế, cho gắng sức chuộc tội.

Cuối năm:

+ Làm bang biện Thành Hóa.

+ Khâm phái Sơn phòng Quảng Trị (được cấp ấn sơn phòng riêng).

Cuối năm 1867 [tháng 12 Đinh mão, TĐ. 20 - bt.], sung làm tùy biện [sứ bộ - bt.] cùng với Trần Tiễn Thành vào Gia Định để bàn bạc việc đất đai Nam kỳ.

Tháng 7 [Mậu thìn, TĐ. 21 - bt.] (1868), sung làm tán tương quân vụ ra Bắc kỳ cùng với Phạm [Nguyễn - bt.] Văn Hùng, Ông ích Khiêm, Đoàn Thọ... để tìm cách đánh dẹp giặc Khách ở biên giới.

Tháng 3 [Kỉ tị, TĐ. 22 - bt] (1869), sung làm tán tương quân thứ Tuyên Quang, thường xuyên qua lại thương thuyết với chính quyền nhà Thanh bàn việc đấnh dẹp.

Tháng [10 Canh ngọ, TĐ. 23 - bt.] (1870), thành Lạng Sơn thất thủ, bị giáng xuống hàng trước tác, cho gắng sức để chuộc tội.

Mùa xuân, [tháng 3 Tân mùi, TĐ. 24 - bt.] (1871), phối hợp với quân của Phạm Thận Duật cùng tiễu trừ giặc Khách đạt nhiều kết quả, được khai phục Quang lộc tự khanh, sung làm tán lý.

[Tháng 5 Quý dậu, TĐ. 26 - bt.] (1873), tán lý Nguyễn Văn Tường được mang hàm tham tri [tham gia sứ bộ vào Nam Kỳ - bt.], lại ra Hà Nội cùng với Philastre giải quyết vụ J. Dupuis gây hấn Bắc Kỳ. Thắng lợi [của ông là -bt.] Pháp giao trả 4 tỉnh thành đã chiếm và giải thể 12.000 quân tay sai.

Năm 1874:

+ Ngày 15 / 3, cùng với Lê Tuấn ký với tướng Pháp Dupré hiệp ước 22 điều, trong đó Pháp thừa nhận chủ quyền của triều đình Huế từ Bình Thuận trở ra Bắc.

+ Thăng thượng thư Bộ Hình, sung Cơ Mật viện đại thần, tước bá [với mỹ hiệu vua ban là Kì Vỹ - bt.].

+ Đảm nhiệm chức trách khâm sai ra Hà Tĩnh đối phó với cuôc khởi nghĩa của Văn thân.

+ 31 / 8 / 1874 (20-7 Giáp tuất, TĐ. 27 - bt.], ký với Pháp bản thương ước 29 điều.

Năm 1875 [Ất hợi, TĐ. 28 - bt.], đổi sang chức thượng thư Bộ Hộ, quản lý công việc Nha Thương bạc.

Năm 1878 [Mậu dần, TĐ. 31 - bt.], thăng hiệp biện đại học sĩ.

Năm 1881 [Tân tị, TĐ. 34 - bt.], do áp lực của De Champeaux, thôi giữ chức Thương bạc đại thần, vẫn giữ chức chức thượng thư Bộ Hộ, "thứ trưởng" Viện Cơ mật.

Năm 1883 [Quý mùi, TĐ. 36 - bt.]:

+ Ngày 19 / 7 / 1883 (16-6 Quý mùi - bt.], vua Tự Đức mất. Trước khi mất, cử Nguyễn Văn Tường cùng Trần Tiễn Thành, Tôn Thất Thuyết làm phụ chính đại thần [và đồng phụ chính đại thần – bt.].

+ Ngày 20 / 7, cùng với Tôn Thất Thuyết phế bỏ vua Dục Đức.

+ Ngày 30 / 7, cùng với Tôn Thất Thuyết lập Lãng quốc công lên ngôi, lấy niên hiệu là Hiệp Hòa.

+ Được thăng Văn Minh điện đại học sĩ, tước [và mỹ hiệu – bt.] Kỳ Vĩ hầu.

+ Ngày 29 / 11 (29-10 Quý mùi - bt.], cùng Tôn Thất Thuyết lập Ưng Đăng lên ngôi, lấy niên hiệu là Kiến Phúc.

+ Kiêm quản Khâm thiên giám, tổng tài Quốc sử quán.

+ Thiết kế và chỉ đạo xây dựng thành Tân Sở, Quảng Trị.

Năm 1884 (Giáp thân):

+ Đổi lãnh thượng thư Bộ Lại, gia cung hàm thái phó, thăng Cần Chánh điện đại học sĩ, tước [và mỹ hiệu – bt.] Kỳ Vỹ quận công, sung làm giảng quan ở kinh diên [nơi vua học – bt.].

+ Ngày 2 / 8 (12-6 Giáp thân - bt.], cùng với Tôn Thất Thuyết, Phạm Thận Duật tôn Ưng Lịch (Hàm Nghi) lên làm vua.

+ Loại trừ các phần tử chủ hòa, chuẩn bị kháng Pháp.

Năm 1885 (Ất dậu):

+ Ngày 5 / 7 / 1885, kinh thành thất thủ, vua Hàm Nghi xuất bôn, ông theo chỉ dụ của Từ Dụ thái hoàng thái hậu ở lại thương thuyết với tướng Pháp De Courcy về nội tình ở Huế [và cả nước – bt.].

+ Ngày 6 / 9 / 1885, bị đi đày tận Côn Đảo cùng với 2 nhân vật kháng chiến Phạm Thận Duật và Tôn Thất Đính.

Năm 1886 (Bính tuất):

+ Tháng 2 / 1886, bị đày sang đảo Tahiti thuộc Pháp.

+ Ngày 30 / 7 / 1886, mất tại Tahiti do bị bệnh ở cổ.

+ Ngày 9 / 12 / 1886, Pháp cho khai quật quan tài đưa về an táng tại quê hương (làng An Cư, Quảng Trị).






TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Phan Thuận An, Quanh sự thất thủ kinh đô, Tạp chí Huế xưa & nay, số 10/1995.

2. Nguyễn Thế Anh, Việt nam thời Pháp đô hộ, Nxb Lửa Thiêng, Sài Gòn, 1970.

3. Đào Duy Anh, Bang giao Việt Pháp 1958 - 1945, Ban Văn - Sử - Địa, Đại học Văn khoa Huế, 1967.

4. Đỗ Bang, Đoàn Hữu Trưng và cuộc khởi nghĩa ở kinh thành Huế năm 1866, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 2 / 1986.

5. Đỗ Bang, Di tích Tân Sở Quảng Trị - Những phát hiện Khảo cổ học năm 1989.

6. Đỗ Bang, Tổ chức bộ máy nhà nước triều Nguyễn (1802 - 1884), Nxb Thuận Hóa, Huế, 1997.

7. Đỗ Bang, Khảo cứu kinh tế và tổ chức bộ máy nhà nước triều Nguyễn, Những vấn đề đặt ra hiện nay, Nxb Thuận hóa, Huế, 1998.

8. Đỗ Bang, Trần Bạch Đằng, Nguyễn Quang Trung Tiến, Đinh Xuân Lâm, Lưu Anh Rô, Tư tưởng canh tân đất nước dưới triều Nguyễn, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1999.

9. Vũ Đức Sao Biển, Đọc thơ Nguyễn Văn Tường, KYHNKH. Nhóm chủ chiến trong triều đình Huế và Nguyễn Văn Tường, ĐHSP TPHCM, 1996.

10. L. Cardiere, Tiểu truyện người quá cố: Giám mục Caspard, BAVH., tập 4, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1998.

11. L. Cardière, Hoàng đế Trung Hoa sắc phong cho vua Tự Đức như thế nào, BAVH., tập 3, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1997.

12. H. Cosserat, Những người đã đến Huế xưa: Dutreuil De Rhins, BAVH., tập 4, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1998.

13. Trương Thị Cúc, Tôn Thất Thuyết và vai trò chống Pháp của ông ở Huế, luận văn tốt nghiệp cử nhân khoa học lịch sử, ĐHKH. Huế, 1981.

14. Phan Trần Chúc, Vua Hàm Nghi, Nhà xuất bản Thuận Hóa, Huế, 1995.

15. Mạc Đường, Lê Trung (chủ biên), Những vấn đề kinh tế - xã hội thời Nguyễn, Nhà xuất bản Thuận Hóa, Huế, 1992.

16. A. Delvaux, Phái bộ Pháp ở Huế và những phái viên đầu tiên, BAVH., tập 3, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1997.

17. Nguyễn Văn Đăng, Về chế độ phong kiến nhà nước quan liêu triều Nguyễn, Kỷ yếu 25 năm Khoa Lịch sử (1976 - 2001), Nxb Thuận Hóa, Huế, 2001.

18. Võ Xuân Đàn, Nguyễn Văn Tường trước và sau vụ biến kinh thành Huế 5 / 7 / 1885, KYHNKH. Nhóm chủ chiến trong triều đình Huế và Nguyễn Văn Tường, ĐHSP TPHCM., 1996.

19. Trần Văn Giàu, Ý thức hệ phong kiến và sự bất lực của nó trước các nhiệm vụ lịch sử, Nxb.TPHCM., 1993.

20. Trần Văn Giàu. Chống xâm lăng, tập 1, 2, Nxb Xây Dựng, 1956.

22. Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Triều đình Huế giai đoạn 1883 - 1885 qua tác phẩm Hạnh Thục ca, luận văn tốt nghiệp khoa lịch sử, ĐHSP TPHCM., 2000.

23. Tôn Thất Hào, Chiêu tuyết Kỳ Vỹ quận công Nguyễn Văn Tường (1824 - 1886), KYHTKH. Nhóm chủ chiến trong triều đình Huế và Nguyễn văn Tường, ĐHSP TPHCM., 1996.

24. Phạm Khắc Hòe, Kể chuyện vua quan nhà Nguyễn, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1996.

25. Nguyễn Văn Kiệm, Cuộc kháng chiến chống Pháp tiếp tục của nhà nước phong kiến những năm 80 thế kỷ XIX, KYHNKH. “Nhóm chủ chiến trong triều đình Huế và Nguyễn Văn Tường”, ĐHSP TPHCM., 1996.

26. Nguyễn Văn Kiệm, Chính sách tôn giáo của nhà Nguyễn nửa đầu thế kỷ XIX, T/c Nghiên cứu lịch sử, số 6/ 1993.

27. Phan Khoang, Việt Nam Pháp thuộc sử 1862 – 1945, Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa xuất bản, SG., 1971.

28. Nguyễn Văn Kiểm [? - Bt.], Cố Đô Huế, Nxb Đà Nẵng, 1994.

29. Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, quyển 2, Nxb TPHCM., 2000.

30. Đinh Xuân Lâm (chủ biên), Đại cương lịch sử Việt Nam, tập 2, Nxb Giáo Dục, 1998.

31. Đinh Xuân Lâm, Triêu Dương (sưu tầm và giới thiệu), Vè thất thủ kinh đô, Nxb. Văn - Sử - Địa, 1959.

32. Đinh Xuân Lâm (chủ biên), Danh tướng yêu nước Tôn Thất Thuyết, Trung tâm UNESCO.TTTL LS Văn Hóa, 1998.

33. Đinh Xuân Lâm, Triều Nguyễn trước âm mưu bành trướng của chủ nghĩa tư bản phương Tây (1802 - 1858), T/c Nghiên cứu Lịch sử, 6/1993.

34.Đinh Gia Lâm, Sự biến kinh thành Huế 1886, luận văn tốt nghiệp khoa sử, ĐHKH Huế, 1979.

35. Hoàng Văn Lân, Ngô Thị Chính, Lịch sử Việt Nam từ 1858 đến cuối thế kỷ XIX, Nxb. Giáo Dục, H. 1979.

36. Phan Ngọc Liên (chủ biên), Từ điển thuật ngữ lịch sử phổ thông, Nxb Đại học quốc gia, H. 2000.

37. Phan Huy Lê, Chu Thiên, Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam, tập 3, Nxb. GD., H. 1960.

38. Trần Huy Liệu, Lịch sử 80 năm chống Pháp, Nxb Văn Sử Địa, H. 1957.

39. Phạm Chí Linh, Thử nhìn lại nhân vật Nguyễn Văn Tường, luận văn tốt nghiệp khoa sử, ĐHKH. Huế, 1991.

40. Nguyễn Văn Mại, Lô Giang tiểu sử, bản dịch của Nguyễn Huy Xước - Bản đánh máy.

41. Các Mác – Ăngghen, Chủ nghĩa Mác, Nxb Sự Thật, H. 1970.

42. Các Mác - Ăngghen toàn tập, tập 1, Nxb Sự Thật, H. 1970.

43. Nguyễn Phong Nam (chủ biên), Những vấn đề lịch sử và văn chương triều Nguyễn, Nxb GD., H. 1997.

44. Đào Trinh Nhất, Phan Đình Phùng và Việt sử giai thoại, Nxb. Văn Học, H. 2000.

45. Đỗ Văn Ninh, Quân đội nhà Nguyễn, T/c NCLS, số 6 / 1993.

46. Trần Viết Ngạc (sưu tầm và giới thiệu), Nguyễn Văn Tường - Thi tập, KYHNKH. Nhóm chủ chiến trong triều đình Huế và Nguyễn Văn Tường, ĐHSP. TPHCM., 1996

47. Trần Viết Ngạc, Nguyễn Văn Tường qua châu bản triều Nguyễn, KYHNKH. Nhóm chủ chiến trong triều đình Huế và Nguyễn Văn Tường, ĐHSP TPHCM.,1996

48. R. Orband, Huế năm 1885, BAVH., tập 3. Nxb. TH., Huế, 1997.

49. Nguyễn Danh Phiệt, Bộ máy nhà nước quân chủ TW tập quyền triều Nguyễn đầu thế kỷ XIX, T/c NCLS., số 6/1993.

50. Nguyễn Phan Quang, Việt nam thế kỷ XIX (1802 - 1884), Nxb TPHCM., 1999.

51. Dương Kinh Quốc, Việt Nam, những sự kiện lịch sử (1858-1945), tập 1, Nxb KHXH., H.1981.

52. QSQTN. ĐNTL. Tập 24. Nxb KHXH. H. 1971.

53. QSQTN. ĐNTL. Tập 28. Nxb KHXH. H. 1973.

54. QSQTN. ĐNTL. Tập 29. Nxb KHXH. H. 1974.

55. QSQTN. ĐNTL. Tập 30. Nxb KHXH. H. 1974.

56. QSQTN. ĐNTL. Tập 31. Nxb KHXH. H. 1974.

57. QSQTN. ĐNTL. Tập 32. Nxb KHXH. H. 1975.

58. QSQTN. ĐNTL. Tập 33. Nxb KHXH. H. 1975.

59. QSQTN. ĐNTL. Tập 34. Nxb KHXH. H. 1976.

60. QSQTN. ĐNTL. Tập 35. Nxb KHXH. H. 1976.

61. QSQTN. ĐNTL. Tập 36. Nxb KHXH. H. 1976.

62. QSQTN. ĐNTL. Tập 37. Nxb KHXH. H. 1977.

63. Trần Thị Thanh Thanh, Nhìn lại việc phế lập trong triều đình Huế năm Quí Mùi, 1883. KYHNKH. Nhóm chủ chiến trong triều đình Huế và Nguyễn Văn Tường, ĐHSP.TPHCM., 1996.

64. Nguyễn Nhược Thị, Hạnh Thục ca (Trần Trọng Kim phiên âm và hiệu đính), Nxb Tân Việt, SG., 1950.

65. Nguyễn Hữu Thông, Nguyễn Quang Trung Tiến, “Những năm tháng đáng quên của Nguyễn Văn Tường”, KYHNKH. Nhóm chủ chiến trong triều đình Huế và Nguyễn Văn Tường, ĐHSP TPHCM., 1996.

66. Nguyễn Quang Trung Tiến, Lê Văn Sách, Sự chuyển hướng chiến lược của phái chủ chiến sau sự biến kinh thành Huế, KHHNKH. Nhóm chủ chiến trong tiều đình Huế và Nguyễn Văn Tường, Trường ĐHSP TPHCM., 1996.

67. Nguyễn Quang Trung Tiến, Vị hoàng đế trưởng thành từ niên thiếu, in trong “Danh tướng yêu nước Tôn Thất Thuyết”, Trung tâm UNESCO. TTTL. lịch sử và văn hóa xuất bản, H. 1998.

68. Nguyễn Quang Trung Tiến, Tôn Thất Thuyết, anh hào Lắm nỗi nhiêu khê, in trong “Danh tướng yêu nước Tôn Thất Thuyết”, TT UNESCO. TTTL Lịch sử và Văn hóa xuất bản, H. 1998.

69. Nguyễn Quang Trung Tiến, Tân Sở, một sai lầm chiến lược của phe chủ chiến, TTKH về phong trào Cần Vương và căn cứ Tân Sở, Sở KHCN và Môi Trường Quảng Trị, 1995.

70. Đặng Đức Thi, Một cách tiếp cận cuộc chiến (1858 - 1884), in trong: Một số vấn đề lịch sử và văn chương triều Nguyễn, Nxb GD., H. 1997.

71. Y.Tsuboi, Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa, Nxb Trẻ TPHCM. (in lần thứ 3), 2000.

72. H. Le Marchant de Trigon, Lễ đăng quang vua Hàm nghi, BAVH., Nxb TH. (tập 4), Huế, 1998.

73. H. Le Marchant de Trigon, Hòa ước năm 1862 giữa Pháp, Tây Ban Nha và An Nam, tài liệu tổng hợp, BAVH (tập 5), Nxb TH., Huế, 1998.

74. De Pirey, Một thủ đô phù du: Tân Sở, BAVH (tập 1), Nxb TH., Huế, 1997.

75. Trần Đại Vinh, Tấc lòng yêu nước son sắt của Nguyễn Văn Tường, KYHNKH. Nhóm chủ chiến trong triều đình Huế và Nguyễn Văn Tường, Trường ĐHSP TPHCM., 1996.

76. Trần Đại Vinh, Di cảo Nguyễn Văn Tường, TTKH. Công nghệ và Môi trường Thừa Thiên Huế, số 2, 1991.

77. Nguyễn Đắc Xuân, Chuyện ba vua: Dục Đức, Thành Thái, Duy Tân, Nxb TH. Huế, 1992.

78. Nguyễn Đắc Xuân (sưu tầm và giới thiệu), Hương Giang cố sự, Tủ sách Sông Hương, Nxb TH., Huế, 1986.

79. Các bản gia phả họ Nguyễn Văn tại làng An Cư, xã Triệu Phước, Triệu Phong, Quảng Trị.

80. Đại loạn năm Ất Dậu và Dậu Tuất niên gian Phong hỏa ký sự, in trong: Đặng Đức Tuấn - Tinh hoa Công giáo ái quốc Việt Nam, của Lam Giang, Võ Ngọc Nhã, tác giả tự xuất bản, SG., 1970.

81. Kỷ yếu hội nghị khoa học nhóm chủ chiến trong triều đình Huế và Nguyễn Văn Tường, Trường ĐHSP TPHCM., 1996.

82. Nhiều tác giả, Côn Đảo, ký sự và tư liệu, Nxb Trẻ, TPHCM., 1996.

83. Báo Sài Gòn giải phóng, ngày 25 / 6 / 1996.

84. Kỷ yếu Hội thảo khoa học Nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường (1824-1886), TTKHXH & NV Huế - Đại học Huế & Hội KHLThừa thiên Huế, 2002.


NHÂN CHỨNG [VỀ QUÁ TRÌNH NGHIÊN CỨU - bt.] ĐIỀN DÃ
(Các hậu duệ Nguyễn Văn Tường)


1. Ông Nguyễn Văn Bưa, 80 tuổi, cháu đời thứ 4, trú tại thị xã Đông Hà, Quảng Trị.

2. Ông Nguyễn Thanh Đàn, 75 tuổi, cháu đời thứ 4, trú tại TP Huế.

3.Ông Nguyễn Thanh Mừng, 76 tuổi, cháu đời thứ 4, trú tại thị xã Đông Hà, Quảng Trị.

4.Ông Nguyễn Văn Sở, 73 tuổi, cháu đời thứ 4, trú tại làng An Cư, Triệu Phong, Quảng Trị.

5. Ông Nguyễn Văn Sơn, 45 tuổi, đời thứ 5, trú tại làng An Cư, Triệu Phong, Quảng Trị.

6. Ông Nguyễn Văn Xuân, 60 tuổi, cháu đời thứ 4, trú tại làng An Cư, Triệu Phong, Quảng Trị.

7. Ông Nguyễn Tư Trừng, 72 tuổi, cháu đời thứ 4, trú tại TP. Huế.



Sinh viên thực hiện luận văn cử nhân khoa lịch sử:
LÊ TIẾN CÔNG
Huế, 2005

(hiện là Cán bộ giảng dạy Khoa Lịch sử,
Đại học Khoa học Huế;
phóng viên Tạp chí Huế Xưa & Nay)



HẾT


______________________________



Trần Xuân An dã nhận bản thứ nhất từ Lê Tiến Công, qua Yahoo Mail, font VNtime, vào ngày 16-3 HB5 (2005) [02-6 Ất dậu HB5], và đã in ra giấy, đóng thành một tập để lưu.

Bản này là bản thứ hai, font Time New Roman, Trần Xuân An cũng nhận từ Lê Tiến Công, qua Yahoo Mail, chiều 18-11 HB6 (2006) [28-9 Bính tuất HB6].






20 : 39, thứ bảy (chủ nhật cũ), ngày 19-11 HB6 (2006),
phần 2 đã được chỉnh sửa lỗi gõ phím lần thứ nhất
.

15 : 22, thứ tư (thứ năm cũ), ngày 23-11 HB6 (2006),
phần 2 đã được chỉnh sửa lỗi gõ phím lần thứ hai
.
TXA.

__________________


Bổ sung theo đúng nguyên tắc luận văn tốt nghiệp:
Giảng viên hướng dẫn:
1. PGS. TS. Đỗ Bang
2. Thạc sĩ Nguyễn Quang Trung Tiến
(căn cứ vào bản Lê Tiến Công gửi qua Yahoo Email, ngày 16-3-2005).

21-11 HB6 (2006).
23-11 HB6 (2006).

__________________


Xem lại:
NGUYỄN VĂN TƯỜNG (1824-1886)
VỚI NHIỆM VỤ LỊCH SỬ
SAU CUỘC KINH ĐÔ QUẬT KHỞI (05 THÁNG 7. 1885)